Thế giới tuần qua: Tìm giải pháp chung cho những thách thức toàn cầu
(ĐCSVN) - Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Italy đã trở thành sự kiện tâm điểm của thế giới tuần qua (10-16/6) khi trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cùng nhau nỗ lực tìm kiếm tầm nhìn chung và giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp bách.
Tìm kiếm giải pháp chung cho những thách thức toàn cầu
Các nhà lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Italy. Ảnh: G7italy.it |
Trong các ngày 13-15/6, khách sạn Borgo Egnazia ở Puglia, phía Tây Italy trở thành tâm điểm truyền thông khi đón lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tụ hội, thảo luận những vấn đề cấp bách toàn cầu
Diễn ra trong 3 ngày, chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm 6 phiên họp về các vấn đề như: Phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.
Một trọng tâm của Hội nghị lần này là việc xử lý tài sản Nga bị đóng băng ở phương Tây, trị giá ước tính khoảng 300 tỷ USD để viện trợ cho Ukraine, bên cạnh đó là việc ủng hộ đàm phán hòa bình giữa Israel - Hamas và nỗ lực tái thiết hậu xung đột ở Dải Gaza.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của các đảng cánh hữu trên khắp châu Âu và tình hình bạo lực liên quan đến chính trị trở nên trầm trọng hơn. Những khó khăn và thách thức bủa vây trên bình diện toàn cầu khiến Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở Italy trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết.
Tăng trưởng toàn cầu duy trì ổn định
Ảnh minh họa: Xinhua |
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu duy trì mức tăng trưởng ổn định 2,6% vào năm 2024, không thay đổi so với năm 2023. Con số này tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 của World Bank, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Nhìn chung, các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 4% trong giai đoạn 2024-2025, chậm hơn một chút so với năm 2023. Tăng trưởng ở các nền kinh tế có thu nhập thấp dự kiến sẽ tăng lên 5% vào năm 2024 từ mức 3,8% năm 2023. Ở các nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng được dự đoán sẽ duy trì ổn định ở mức 1,5% vào năm 2024 trước khi tăng lên 1,7% vào năm 2025.
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của WB, cho biết, bốn năm sau những biến động do đại dịch, xung đột, lạm phát và thắt chặt tiền tệ gây ra, có vẻ như tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ổn định. Tuy nhiên, tăng trưởng đang ở mức thấp hơn so với trước năm 2020.
Năm nay, cứ 4 nền kinh tế đang phát triển thì có 1 nền kinh tế vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch năm 2019. Tỉ lệ này cao gấp đôi đối với các quốc gia ở trong tình trạng mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 2,9% vào năm 2025, nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với dự kiến chỉ 6 tháng trước. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương dự kiến sẽ vẫn thận trọng trong việc hạ lãi suất chính sách. Lãi suất toàn cầu có thể sẽ vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn của những thập kỷ gần đây - trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025-2026, gần gấp đôi mức trung bình của giai đoạn 2000-2019.
Houthi liên tục tấn công tàu trên Biển Đỏ
Một con tàu bị tấn công ngoài khơi Hodeidah, Yemen. (Ảnh: IRNA/TTXVN) |
Ngày 13/6, lực lượng Houthi ở Yemen đã thừa nhận đứng sau các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào 3 tàu ở Biển Arab và Biển Đỏ.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, người phát ngôn của Houthi, Yahya Sarea nói: “Cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào tàu Verbena ở Biển Arab, gây thiệt hại và hỏa hoạn trên tàu” trong khi 2 vụ tấn công khác nhằm vào các tàu Seaguardian và Athina ở Biển Đỏ.
Tất cả các vụ tấn công này đều được thực hiện bằng một số tên lửa đạn đạo, tên lửa hải quân cũng như thiết bị bay không người lái (UAV).
Trước đó, ngày 12/6, lực lượng Houthi cũng đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công nhằm vào một tàu chở hàng trên Biển Đỏ và sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công hai thành phố của Israel.
Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ tháng 11/2023 trong các cuộc tấn công mà lực lượng này cho là nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine để phản đối cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza.
Chi phí vận chuyển container - xương sống của thương mại toàn cầu - đã tăng vọt kể từ khi các cuộc tấn công của Houthi bắt đầu vào giữa tháng 11 năm ngoái, trong khi thời gian giao hàng tăng đã gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng cho các nhà bán lẻ và nhà sản xuất. Các nhà khai thác vận tải container lớn nhất thế giới cảnh báo rằng sự gián đoạn thương mại toàn cầu do tàu thuyền không thể sử dụng Biển Đỏ hoặc kênh đào Suez để đi lại giữa châu Á và châu Âu có thể tiếp tục kéo dài sang năm tới.
Tai nạn gây nhiều thương vong tại một số nước trên thế giới
Hiện trường vụ cháy tòa nhà ở miền Nam Kuwait rạng sáng 12/6. (Nguồn: Manorama News) |
* Ngày 11/6, nguồn tin địa phương cho biết một vụ chìm thuyền vào tối trước đó trên sông Kwa, một trong những nhánh của sông Congo, thuộc tỉnh Mai-Ndombe, phía Tây Cộng hòa Dân chủ Congo đã làm ít nhất 86 người, trong đó có 21 trẻ em, thiệt mạng. Vào thời điểm gặp nạn, con thuyền đang trên đường đến Kinshasa, thủ đô của CHDC Congo, từ thị trấn Mushie.
* Ngày 12/6, truyền thông nhà nước Kuwait đưa tin ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong một vụ cháy tòa nhà ở thành phố Mangaf, miền Nam nước này.
Các nguồn tin cho biết lửa bùng phát từ nhà bếp của một căn hộ trong một khu nhà ở của người lao động vào rạng sáng 12/6. Sau đó, lửa lan nhanh sang các phòng khác. Tòa nhà trên là nơi ở của 195 lao động làm việc cho khu thương mại gần đó.
* Ngày 11/6, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết số người thiệt mạng trong vụ chìm thuyền chở người di cư ngoài khơi Yemen đã lên tới ít nhất 49 người. Hiện vẫn còn khoảng 140 người mất tích. Những người di cư cho biết nguyên nhân thuyền lật do gió lớn.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ủng hộ đề xuất ngừng bắn ở Gaza
Xe tăng của quân đội Israel tại khu vực tiếp giáp với Gaza, ngày 12/6/2024. (Ảnh: AP) |
Ngày 10/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2735 nhằm hướng tới thỏa thuận ngừng bắn toàn diện theo 3 giai đoạn nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza một cách “không chậm trễ và vô điều kiện”.
Theo nghị quyết, trong giai đoạn một, các bên sẽ thực hiện một "lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đầy đủ và toàn diện, kèm theo việc trao trả tự do cho các con tin bao gồm phụ nữ, người già và người bị thương, trao trả hài cốt của một số con tin đã thiệt mạng và trao đổi tù nhân Palestine”.
Giai đoạn hai sẽ chứng kiến việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch "để đổi lấy việc trao trả tự do cho tất cả các con tin khác còn lại ở Gaza và rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi dải đất này".
Trong giai đoạn ba, "một kế hoạch tái thiết lớn kéo dài nhiều năm cho Gaza" sẽ bắt đầu được triển khai. Bên cạnh đó, hài cốt của các con tin bị thiệt mạng ở Gaza sẽ được trao trả cho phía Israel.
Nghị quyết bác bỏ mọi nỗ lực thay đổi nhân khẩu học hoặc về lãnh thổ ở Dải Gaza, đồng thời nhắc lại "cam kết vững chắc" của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước, cho phép Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình trong phạm vi biên giới an toàn và được công nhận, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Đây là lần thứ 4 cơ quan quyền lực Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhằm kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn ở Gaza kể từ sau khi xung đột bùng phát ngày 7/10 năm ngoái. Ba nghị quyết trước đó đều có tính ràng buộc về mặt pháp lý kể từ khi được Hội đồng Bảo an thông qua nhưng không phát huy hiệu quả. Thực tế này tiếp tục nhấn mạnh tính cấp bách của những hành động cụ thể và thiện chí từ các bên liên quan để mang lại cơ hội hòa bình cho dải đất hẹp ven Địa Trung Hải sau nhiều tháng chìm trong xung đột.
Thủ tướng Ấn Độ giữ nguyên các vị trí chủ chốt trong chính phủ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mừng chiến thắng của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, tại New Delhi, ngày 4/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 10/6, Thủ tướng Narendra Modi đã bổ nhiệm các chức danh quan trọng trong chính phủ Modi 3.0, trong đó một số bộ trưởng chủ chốt vẫn tại nhiệm.
Cụ thể, Tiến sỹ S Jaishankar vẫn giữ vị trí Bộ trưởng Ngoại giao; ông Rajnath Singh tiếp tục đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng; bà Nirmala Sitharaman giữ vai trò Bộ trưởng Tài chính và Doanh nghiệp; ông Piyush Goyal là người đứng đầu Bộ Thương mại và Công nghiệp; ông Amit Shah giữ trọng trách Bộ trưởng Nội vụ; vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc thuộc về ông Nitin Gadkari.
Sau những thành tựu trong nhiệm kỳ trước, ông Ashwini Vaishnaw tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng Đường sắt, Truyền thông, Điện tử và Công nghệ thông tin. Việc giữ lại các bộ trưởng chủ chốt này giúp đảm bảo tính liên tục và ổn định trong các chính sách và sáng kiến của chính phủ.
Trước đó, tối 9/6, ông Modi đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp tại Phủ tổng thống (Rashtrapati Bhavan) dưới sự chủ trì của Tổng thống Draupadi Murmu và với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước láng giềng và khu vực Ấn Độ Dương. Ông Modi trở thành người thứ hai, sau cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru, được bầu giữ chức Thủ tướng 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Modi được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPOI) của Ấn Độ có thể thu hút được sự chú ý nhiều hơn./.