Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới tuần qua: Thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở châu Á

Chủ Nhật, 04/08/2024 08:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Mưa bão hoành hành ở nhiều nước châu Á gây thiệt hại nặng nề về người và của – là một trong những sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (29/7 - 4/8).

Hơn 250 người thiệt mạng vì mưa bão ở châu Á

Trong tuần qua có ít nhất 253 người thiệt mạng do mưa bão tại Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, trong khi mưa lớn cũng gây nhiều thiệt hại ở Triều Tiên, Myanmar...

Ấn Độ ghi nhận con số thiệt hại về người nhiều nhất, với 201 người thiệt mạng và gần 200 người mất tích. Mưa lớn gây dòng bùn và nước lũ tràn qua các vườn chè và làng mạc ở bang Kerala miền Nam Ấn Độ từ ngày 30/7, phá hủy các cây cầu và san phẳng nhiều nhà cửa.

Mưa lớn gây thiệt hại lớn về người và của tại Ấn Độ. (Ảnh: PTI)

 Tại Pakistan, lượng mưa kỷ lục trút xuống thành phố Lahore gây ngập lụt đường phố và làm ít nhất 3 người thiệt mạng ngày 1/8. Một số khu vực ở bang này ghi nhận lượng mưa lên tới 353mm trong vài giờ, vượt qua mức cao nhất trong vòng 44 năm trở lại đây.

Tại Trung Quốc, 48 người thiệt mạng, 35 người mất tích do bão trong tuần qua, dù bão Gaemi đã suy yếu thành bão nhiệt đới. Trước đó, cơn bão này lần lượt quét qua Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan của Trung Quốc đã khiến 40 người thiệt mạng.

Tại Triều Tiên, mưa làm ngập 4.100 căn nhà, 3.000 ha đất nông nghiệp và nhiều tòa nhà công cộng, đường xá và đường tàu.

Tại Myanmar, ngày 1/8, hơn 1.700 trường học tại 9 vùng và bang đã tạm thời đóng cửa do lũ lụt nghiêm trọng do mực nước sông Ayeyarwady và Chindwin dâng cao. Trước đó, 1.120 trường học đã bị hư hại do thiên tai trên khắp cả nước.

Thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa mưa bão ở châu Á. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các cơn bão ngày càng mạnh hơn, mưa lớn thường xuyên gây lở đất, lũ lụt, phá hoại mùa màng, tàn phá nhà cửa và gây nhiều thiệt hại về người.

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah

 Các nguồn tin quân sự Liban cho biết ngày 2/8, khu vực dọc biên giới giữa nước này và Israel đã nổ ra giao tranh dữ dội giữa Hezbollah và quân đội Israel. Hiện chưa có báo cáo về thương vong. 
 Hiện trường vụ không kích của Israel nhằm vào vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, Liban ngày 30/7. (Ảnh: AP )

Theo các nguồn tin giấu tên, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Israel đã tiến hành 9 cuộc không kích vào 7 thị trấn và làng mạc ở miền Nam Liban và 3 cuộc không kích vào các khu vực ở Hermel, Al-Qasr và cửa khẩu Matraba trên biên giới Liban-Syria. Ngoài không kích, hai bên còn sử dụng súng máy hạng nặng, pháo binh và pháo kích trong các cuộc giao tranh. 

Trong khi đó, Hezbollah ngày 2/8 tuyên bố sử dụng tên lửa tấn công mục tiêu vào các vị trí của Israel ở Tây Galilee và các vị trí của Al-Raheb, Al-Marj, Bayad Blida và Al-Samaqa. Hezbollah đã bắn một tên lửa phòng không vào một máy bay chiến đấu của Israel đang bay trên không phận của khu vực phía Tây Nam, khiến máy bay phải chuyển hướng về phía không phận của Palestine bị chiếm đóng.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Liban Najib Mikati cảnh báo căng thẳng khu vực có thể leo thang và lan rộng. Ông Makati nhấn mạnh những diễn biến đáng lo ngại trong khu vực báo hiệu mức độ nguy hiểm gia tăng và lan rộng từ khu vực này sang khu vực khác. Ông cho biết người dân Liban ở phía Nam, Bekaa và vùng ngoại ô phía Nam của Beirut vẫn đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của Israel khiến hàng trăm người thương vong... Ông tuyên bố Liban quyết tâm bảo vệ đất đai, chủ quyền của mình bằng mọi biện pháp có thể.

Căng thẳng leo thang dọc theo khu vực biên giới giữa Israel và Liban khi một máy bay không người lái của Israel bắn ba tên lửa tại một vị trí gần Hội đồng Shura của Hezbollah ở Dahieh ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut vào tối 30/7 khiến Fouad Shokor, chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah và 7 thường dân thiệt mạng.  Tổng Thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố phong trào này sẽ có đáp trả cuộc đột kích của Israel tại thời điểm và địa điểm thích hợp.

Những diễn biến mới trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng

Ngày 2/8, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhất trí với lời đề nghị của kênh truyền hình Fox News về việc tổ chức cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ vào ngày 4/9 tới.

Thông báo trên được ông Trump đưa ra trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 2/8. Vị cựu Tổng thống này cũng lưu ý các quy tắc tranh luận cũng sẽ tương tự như trong cuộc tranh luận giữa ông với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. 

 Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ được xác nhận là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến bắt đầu từ ngày 1/8, thay thế cho nghi thức bỏ phiếu trực tiếp thường diễn ra trước Đại hội toàn quốc của đảng này.

Chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống J.Biden tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử, phó tướng của ông là bà Kamala Harris, 52 tuổi, đã nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, cạnh tranh với ứng cử viên của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump.

Cho đến nay, gần 4.000 đại biểu, gồm các nhà hoạt động cơ sở và chính trị gia được phân bổ trong quá trình bầu cử sơ bộ, đã gửi chữ ký điện tử ủng hộ bà Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Bà Harris được xác nhận là người phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên giành được đề cử của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.

Dự kiến vào ngày 6/8 tới, bà Kamala Harris sẽ tổ chức cuộc vận động đầu tiên với liên danh tranh cử tại các bang Philadelphia, Pennsylvania. Hoạt động trên mở đầu cho chuyến công du các bang chiến trường kéo dài 4 ngày của bà Harris, bao gồm cả các bang Michigan và Arizona.

Nhiều nước ghi nhận số vụ cháy rừng cao kỷ lục

Ngày 1/8, Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (Inpe) công bố dữ liệu cho thấy số vụ cháy tại rừng mưa Amazon thuộc lãnh thổ nước này trong tháng 7 vừa qua ở mức cao kỷ lục trong gần hai thập kỷ, trong bối cảnh khu vực này trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

 Một đám cháy rừng gần Careiro, Brazil . (Ảnh: EPA)

Theo Inpe, các vệ tinh xác định có 11.434 điểm nóng cháy rừng tại Amazon trên lãnh thổ Brazil. Đây là con số lớn nhất ghi nhận trong tháng 7 kể từ cùng kỳ năm 2005.

Ngày 31/7, trong chuyến thị sát vùng đất ngập nước Pantanal, giáp Amazon, đồng thời là nơi xảy ra nhiều vụ cháy sớm bất thường, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ký ban hành chính sách kiểm soát hỏa hoạn. Theo đó, nghiêm cấm đốt phá rừng hoặc đốt thảm thực vật bản địa vì mục đích nông nghiệp hoặc các mục đích khác.

Tổng thống Lula da Silva đã cam kết khôi phục chất lượng môi trường của Brazil sau nhiều năm nạn phá rừng gia tăng; đồng thời cam kết "xóa sổ" vấn nạn này vào năm 2030.   

Ngoài Brazil, Bolivia và Venezuela cũng ghi nhận số vụ cháy rừng Amazon cao kỷ lục tại khu vực rừng trên lãnh thổ của hai quốc gia này.

Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong báo cáo công bố ngày 31/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, bệnh mpox, còn được gọi là bệnh đậu mùa khỉ, hiện đã được phát hiện ở 10 quốc gia châu Phi trong năm nay. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, có tổng cộng 14.250 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 456 ca tử vong đã được báo cáo từ 10 quốc gia châu Phi (tỷ lệ tử vong là 3,2%). So với 7 tháng đầu năm 2023, số ca mắc bệnh trong năm nay tăng 160%, số ca tử vong tăng 19%.

Theo CDC châu Phi, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 28/7/2024, tổng cộng có 37.583 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1.451 ca tử vong đã được báo cáo từ 15 quốc gia châu Phi. Trong đó, 10 quốc gia châu Phi đã báo cáo các ca mắc bệnh đậu mùa mới trong năm nay bao gồm: Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda và Nam Phi.

 Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: AA)

Trong đó, Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong. Các quan chức cho biết gần 70% các trường hợp mắc bệnh mpox ở Congo là ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Trong  tuần này, Burundi và Rwanda đều báo cáo lần đầu tiên xuất hiện loại virus này. Các đợt bùng phát mới cũng được công bố trong tuần này tại Kenya và Cộng hòa Trung Phi, với các ca bệnh lan sang thủ đô đông dân Bangui của nước này.

Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958, được cho là lây truyền từ động vật hoang dã như loài gặm nhấm sang người hoặc từ người sang người. Đây là một căn bệnh do virus hiếm gặp, thường lây truyền qua dịch cơ thể, các giọt hô hấp và các vật liệu bị ô nhiễm khác. Nhiễm bệnh thường dẫn đến sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN