Thế giới tuần qua: Siêu bão Yagi càn quét nhiều quốc gia
(ĐCSVN) - Với cường độ mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, siêu bão Yagi được cho là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua tại Biển Đông. Những diễn biến liên quan đến sức tàn phá của siêu bão Yagi là sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (1 - 8/9).
Siêu bão Yagi mạnh nhất trong vòng 30 năm tại Biển Đông
Bão Yagi được xác nhận là siêu bão, cấp 16, giật trên cấp 17. Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão hình thành ngay trên Biển Đông như Yagi. Các chuyên gia nhận định, Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông. Yagi mang theo gió mạnh, mưa lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng tại những địa điểm bão đổ bộ.
Lực lượng cứu hộ ở Hải Nam (Trung Quốc) giúp đỡ người dân di chuyển đến nơi an toàn. (Ảnh: China News) |
Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi có sức gió lên tới 245 km/giờ, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ngày 6/9 đã khiến 3 người thiệt mạng và 95 người bị thương, gây mất điện trên diện rộng, khiến hàng loạt cây cối bật gốc và nhà cửa hư hại nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 400.000 người để tránh bão. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã tiến hành đánh giá toàn diện trong ngày 7/9, tập trung vào sự an toàn của các hồ chứa nước vừa và nhỏ và nguy cơ lũ lụt ở các con sông vừa và nhỏ, cũng như lũ quét trên núi ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Tại Việt Nam, siêu bão Yagi (cơn bão số 3) ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ; đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội. Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại ban đầu về người do bão số 3. Cụ thể, Hà Nội có 1 người tử vong; Quảng Ninh có 3 người tử vong; Hải Dương có 1 người tử vong; có 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người). Nhiều ngôi nhà, công trình bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại nhiều tỉnh, thành. Tối 7/9, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu trong nước. Đặc biệt, mưa kèm theo dông, gió thổi mạnh đã làm nhiều cây gãy đổ, tôn mái nhà bay. Tính đến 23 giờ ngày 07/9, trên địa bàn Hà Nội có 2.215 cây đổ và gãy cành.
Tại Philippines, Lực lượng bảo vệ bờ biển (PCG) ngày 7/9 thông báo tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn 15 ngư dân được thông báo mất tích trên biển kể từ ngày 1/9 do ảnh hưởng của bão Yagi. PCG cho biết tàu đánh cá mất tích đã bị tách khỏi một tàu khác trong điều kiện thời tiết xấu khi trong hành trình đánh bắt cá ngày 1/9 tại vùng biển phía Đông của đảo Luzon.
Dịch đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp
CDC châu Phi cho biết, kể từ đầu năm 2024, đã có 5.549 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) được xác nhận trên khắp lục địa, với 643 trường hợp tử vong. Con số này cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ về cả số ca nhiễm và số ca tử vong so với những năm trước. Các ca bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm 91% tổng số ca bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Congo và Burundi, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ hai, là ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Một nhân viên y tế đang kiểm tra các tổn thương da đặc trưng của bệnh mpox trên lưng của một trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đa khoa Nyiragongo, phía Bắc Goma, CHDC Congo, ngày 14/8/2024. (Ảnh: WHO) |
Ngày 6/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triển khai kế hoạch ứng phó trên toàn châu lục đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.
Kế hoạch được công bố ba tuần sau khi WHO tuyên bố sự lây lan của chủng đậu mùa khỉ mới là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tổng Giám đốc của CDC châu Phi, Tiến sĩ Jean Kaseya, cho biết 55% số tiền 600 triệu USD sẽ được chuyển đến 14 quốc gia có các trường hợp đã đăng ký và tăng cường khả năng sẵn sàng ở 15 quốc gia khác. 45% còn lại sẽ được chuyển hướng cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động thông qua các đối tác. Tổ chức này không cho biết ai sẽ tài trợ cho sáng kiến này.
Nước Pháp có Thủ tướng mới
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới của nước này. Thông báo trên được Văn phòng Tổng thống Pháp đưa ra ngày 5/9. Theo đó, ông Michel Barnier trở thành Thủ tướng thứ 26 của nước Pháp, thay thế vị trí của người tiền nhiệm Gabriel Attal.
Ông Michel Barnier trở thành tân Thủ tướng Pháp. (Ảnh: ABC News/AP) |
Ở tuổi 73, ông Michel Barnier là Thủ tướng lớn tuổi nhất trong số 26 Thủ tướng của nước Pháp. Ông thay thế người trẻ nhất - ông Gabriel Attal, người trở thành Thủ tướng Pháp khi mới 34 tuổi.
Ông là thành viên của đảng Cộng hòa đại diện cho cánh hữu truyền thống. Ông được biết đến nhiều nhất trên trường quốc tế với vai trò làm trung gian cho tiến trình Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, sự kiện còn được gọi là Brexit.
Ông Michel Barnier từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường. Ông đã hai lần giữ chức vụ Ủy viên châu Âu cũng như Cố vấn cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Việc ông Michel Barnier được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Pháp đã chấm dứt 2 tháng bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội (Hạ viện) ở Pháp.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal, sau khi liên minh "Cùng nhau" của ông Macron bị đánh bại tại vòng hai cuộc bầu cử quốc hội của Pháp. Kể từ đó, Tổng thống Macron phải đối mặt với những lời kêu gọi từ các phe phái chính trị để chỉ định thủ tướng mới. Tuần trước, ông Macron đã chia sẻ với báo giới ông đang nỗ lực hết sức kiện toàn bộ máy chính trị.
Tấn công khủng bố ở Afghanistan
Ngày 5/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 2/9 tại thủ đô Kabul (Afghanistan) khiến 6 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Lực lượng an ninh được triển khai sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Kabul, Afghanistan ngày 2/9. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Trong thông cáo báo chí, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án "vụ tấn công khủng bố tàn bạo" mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm, khiến 6 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng chủ nghĩa khủng bố dù dưới hình thức hay biểu hiện nào đều là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh ở Afghanistan cũng như trên thế giới. Qua đó, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nêu bật sự cần thiết phải truy cứu trách nhiệm những kẻ thực hiện, tổ chức, tài trợ và bảo trợ cho các hành động khủng bố và đưa ra xét xử.
Trước đó, ngày 2/9, người phát ngôn cảnh sát thủ đô Kabul - ông Khalid Zadran, cho biết một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở vùng ngoại ô phía Nam Kabul khiến 6 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Tình trạng tấn công bạo lực tại Afghanistan đã giảm kể từ khi Taliban tiếp quản chính quyền vào năm 2021. Tuy nhiên, nhánh IS ở tỉnh Khorasan vẫn hoạt động và thường xuyên tấn công dân thường, người nước ngoài và các quan chức Taliban. Nhóm này cũng là mối đe dọa an ninh lớn nhất ở Afghanistan và thường xuyên nhắm mục tiêu vào cộng đồng người Shia.
Cháy ký túc xá ở Kenya khiến hơn 30 học sinh thương vong
Khung cảnh hoang tàn sau vụ cháy tại Trường Hillside Endarasha . (Ảnh: NMG/NATION AFRICA) |
Ngày 6/9, cảnh sát Kenya cho biết ít nhất 17 em học sinh đã thiệt mạng khi xảy ra hỏa hoạn tại khu ký túc xá của trường Hillside Endarasha Academy, thuộc Nyeri, miền Đông nước này.
Theo người phát ngôn của cảnh sát, bà Resila Onyango, bên cạnh các nạn nhân thiệt mạng có 14 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Hiện chưa thể nhận dạng các nạn nhân và con số thương vong còn có thể tăng.
Nhà chức trách đang điều thêm lực lượng cứu hộ đến hiện trường. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Kenya, khu ký túc xá bị cháy là nơi ở của 156 nam sinh. Hầu hết các tòa nhà tại đây được xây bằng ván gỗ khiến đám cháy lan rất nhanh. Hội Chữ thập đỏ Kenya cho biết chính quyền đã phong tỏa trường học để bắt đầu điều tra. Ngoài ra, tổ chức này đang cung cấp các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn.
Các vụ cháy trường học ở Kenya xảy ra khá phổ biến. Năm 2017, có 10 học sinh đã thiệt mạng trong vụ cháy trường học ở thủ đô Nairobi./.