Thế giới tuần qua: Lo ngại dịch bệnh lây lan toàn cầu
(ĐCSVN) – Với hơn 18.700 ca mắc hoặc nghi mắc đậu mùa khỉ kể từ đầu năm đến nay tại châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Đợt bùng phát mạnh bệnh đậu mùa khỉ là sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (12-18/8).
Châu Phi ghi nhận hơn 18.700 ca mắc, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Ngày 17/8, Cơ quan y tế Liên minh châu Phi (AU) cho biết, tổng cộng châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 18.737 ca nghi mắc hoặc đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) kể từ đầu năm, trong đó có 1.200 ca được báo cáo chỉ trong một tuần. Châu lục này cũng ghi nhận 541 ca tử vong (tỷ lệ tử vong là 2,89%).
Bệnh nhi mắc bệnh đậu mùa khỉ được điều trị tại bệnh viện ở Nyiragongo, CHDC Congo ngày 15/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Đây là số ca nghi mắc hoặc mắc 3 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có biến thể 1b mới nguy hiểm hơn và dễ lây truyền hơn. Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do biến thể này gây ra đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/8 vừa qua phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của cơ quan này.
Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là CHDC Congo, nơi biến thể 1b được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2023. Tất cả 26 tỉnh ở CHDC Congo đều đã phát hiện các ca mắc bệnh. Nước này đã phát hiện 1.005 ca, trong đó 222 ca được xác nhận và 783 ca mắc, với 24 ca tử vong trong một tuần. Nước láng giềng Burundi đã phát hiện 173 ca, trong đó 39 ca được xác nhận và 134 ca nghi mắc - đánh dấu mức tăng 75% trong một tuần.
Theo CDC châu Phi, số ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ được báo cáo ở châu lục nay từ đầu năm đến nay còn cao hơn tổng số ca của cả năm 2023 (14.383 ca). Trong tuần này, các ca mắc mpox đầu tiên bên ngoài châu Phi cũng đã được phát hiện ở Thụy Điển và Pakistan. WHO sẽ sớm công bố các khuyến nghị đầu tiên của ủy ban khẩn cấp và mới đây đã cùng với các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine.
Trước tình hình lây lan bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, WHO ngày 17/8 kêu gọi các hãng dược phẩm tăng cường sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này. WHO cho biết sẽ sớm ban hành các khuyến nghị sơ bộ đối với các quốc gia về cách ứng phó dịch đậu mùa khỉ.
Thái Lan có Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử
Ngày 16/8, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha đã triệu tập phiên họp toàn thể Hạ viện 493 thành viên để bầu thủ tướng mới thay thế ông Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.
Bà Paetongtarn Shinawatra trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan. (Ảnh: TTXVN) |
Ứng cử viên duy nhất tại cuộc bỏ phiếu này là bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, lãnh đạo của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng đầu liên minh cầm quyền hiện nắm 314/493 ghế Hạ viện. Theo luật bầu cử của Thái Lan, bà Paetongtarn cần đa số tối thiểu, tức 247 phiếu ủng hộ để được bầu làm thủ tướng.
Kết quả, bà Paetongtarn nhận được 319 phiếu ủng hộ, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Có 2 thành viên Hạ viện không tham dự cuộc họp. Như vậy, bà Paetongtarn đã trúng cử, trở thành thủ tướng thứ 31 và là thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay ở Thái Lan. Bà cũng là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử “xứ sở Chùa Vàng” và là thành viên thứ ba trong gia đình Shinawatra giữ chức vụ này, sau cha của bà là ông Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck Shinawatra.
Nữ Thủ tướng đắc cử Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 16/8 cho biết chính phủ của bà sẽ có một đội ngũ mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm để đưa đất nước tới thành công. Bà cũng cam kết cống hiến cho đất nước Thái Lan và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đang dẫn đầu liên minh cầm quyền.
Indonesia lần đầu tổ chức Lễ quốc khánh ở Thủ đô mới
Lễ kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia diễn ra tại Thủ đô mới Nusantara với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo và Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto cùng các thành viên nội các.
Đây là hoạt động đầu tiên mang tầm quốc gia được tổ chức tại Thủ đô mới và đánh dấu sự khởi đầu của quá trình dời thủ đô khỏi Jakarta.
Tổng thống Joko Widodo (giữa) tham dự lễ kỷ niệm 79 năm ngày quốc khánh tại Thủ đô mới Nusantara ngày 17/8. (Ảnh: AP) |
Lễ kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia cũng diễn ra ở Thủ đô Jakarta và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đây là sự kiện được người dân mong chờ, mang ý nghĩa đặc biệt khi được đồng thời tổ chức ở cả hai thủ đô của quốc gia vạn đảo.
Thủ đô mới của Indonesia bắt đầu được xây dựng vào giữa năm 2022, trải rộng trên diện tích khoảng 2.600 km2 giữa những khu rừng rậm trên đảo Borneo. Giới chức Indonesia cho biết đây sẽ là một thành phố xanh với nhiều rừng và công viên, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời áp dụng quản lý chất thải thông minh.
Trong khi đó, thành phố Jakarta, với dân số hơn 10 triệu người, đang đối mặt tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, ngập lụt và ô nhiễm không khí. Tình trạng ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước khoảng 4,5 tỷ USD mỗi năm.
Hy vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng về lệnh ngừng bắn ở Gaza
Trong một tuyên bố chung ngày 16/8, Ai Cập, Qatar và Mỹ tuyên bố rằng các quan chức cấp cao từ ba nước sẽ gặp lại nhau tại Cairo trước khi kết thúc tuần sau trong một vòng đàm phán mới, với hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về lệnh ngừng bắn ở Gaza theo các điều khoản đã đề xuất với Hamas và Israel ngày 16/8 tại Doha.
Người dân rời khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Gaza. (Ảnh: The Straits Times) |
Tuyên bố chung nêu rõ trong 48 giờ qua tại Doha, các quan chức cấp cao từ chính phủ 3 nước đã tham gia vào các cuộc đàm phán chuyên sâu với tư cách là những nhà trung gian nhằm đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho các con tin và những người bị bắt giữ. Các cuộc đàm phán này có sự tham gia của phái đoàn Israel diễn ra nghiêm túc, mang tính xây dựng và trong bầu không khí tích cực.
Vòng đàm phán vừa kết thúc vào ngày 16/8 tại Doha diễn ra sau lời kêu gọi của Ai Cập, Qatar và Mỹ đối với Hamas và Israel nhằm nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn, thu hẹp mọi khoảng cách còn lại và bắt đầu thực hiện thỏa thuận mà không được trì hoãn thêm.
Các cuộc đàm phán này nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giải quyết tình trạng bạo lực leo thang đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng ở Gaza trong 10 tháng qua.
Trong các tuyên bố với truyền thông vào ngày 13/8, lãnh đạo Hamas Osama Hamdan tuyên bố rằng phong trào này sẽ chỉ tham gia nếu các cuộc đàm phán tập trung vào việc thực hiện đề xuất do Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu chi tiết vào tháng 5 và được quốc tế ủng hộ.
Nga sơ tán thêm hàng nghìn người tại tỉnh Kursk
Tối 14/8, quyền Thống đốc tỉnh Kursk của Nga, ông Alexei Smirnov cho biết chính quyền đã quyết định sơ tán người dân tại huyện Glushkov - khu vực tiếp giáp với Ukraine và có dân số khoảng 20.000 người - trong bối cảnh lực lượng Ukraine tiếp tục tiến vào khu vực biên giới.
Người dân được sơ tán khỏi thị trấn Rylsk ở vùng Kursk của Nga. (Ảnh: AFP) |
Trên ứng dụng Telegram, ông Smirnov cho biết cảnh sát và các cơ quan nhà nước khác sẽ phối hợp thực hiện công tác sơ tán.
Trước đó, Thống đốc tỉnh biên giới Belgorod của Nga, ông Vyacheslav Gladkov cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tỉnh, đồng thời xác nhận tiến hành sơ tán dân thường đến những khu vực an toàn hơn.
Ukraine đã triển khai chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào tỉnh Kursk của Nga từ ngày 6/8. Ngày 9/8, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia của Nga áp dụng các biện pháp an ninh tại Kursk, Bryansk và Belgorod để đảm bảo an toàn cho dân thường và ngăn chặn các cuộc tấn công. Các biện pháp này có thể bao gồm di dời người dân đến các khu vực an toàn, đình chỉ hoạt động sản xuất liên quan đến vật liệu nguy hiểm./.