Thế giới tuần qua: Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể sắp kết thúc
(ĐCSVN) - Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể sắp kết thúc, Thủ tướng Anh tiếp tục đề nghị EU lùi thời hạn Brexit, Liên hợp quốc thúc đẩy mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, NATO ủng hộ nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ... Đó là một số tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.
- Mỹ và Trung Quốc có thể công bố thỏa thuận thương mại trong vòng 4 tuần tới
- Thủ tướng Anh tiếp tục đề nghị EU lùi thời hạn Brexit
- Liên hợp quốc thúc đẩy mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân
- NATO ủng hộ nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ
- Hàn Quốc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì hỏa hoạn
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể sắp kết thúc
Ngày 4/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại để có thể công bố trong khoảng 4 tuần tới. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng, việc tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác thương mại sẽ gặp khó khăn nếu như hai nước không đưa ra một thỏa thuận.
Tuyên bố trên được ông D.Trump đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các vòng đàm phán sâu rộng để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã tiếp diễn trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ở Nhà Trắng, ngày 4/4, Tổng thống D.Trump thừa nhận dù hai nước đã nhất trí về một số vấn đề gai góc trong bản thỏa thuận song vẫn còn tồn tại những bất đồng cần được thu hẹp.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã truyền tải thông điệp từ Chủ tịch Tập Cận Bình tới Tổng thống D.Trump, trong đó bày tỏ lạc quan rằng phần nội dung văn bản của thỏa thuận thương mại giữa hai nước có thể sẽ sớm được hoàn tất.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018 với việc hai nước đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD, ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực công nghiệp sản xuất của hai nước và gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu
Thủ tướng Anh tiếp tục đề nghị EU lùi thời hạn Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thêm một thời gian ngắn đối với tiến trình Brexit trong bối cảnh nỗ lực rời khỏi ngôi nhà chung của London đang gặp nhiều trở ngại.
Phát biểu tại Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing sau phiên họp kéo dài 7 tiếng đồng hồ với các thành viên trong Nội các, ngày 2/4, bà Theresa May hy vọng rằng, việc EU tiếp tục kéo dài thời hạn Brexit sẽ giúp Anh tránh được kịch bản rời khỏi EU không theo trật tự vào ngày 12/4. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, giờ đã đến lúc nước Anh cần thể hiện rõ tinh thần đoàn kết vì lợi ích dân tộc.
Thông điệp trên được bà May đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Hạ viện Anh tiếp tục giữ vững lập trường đưa ra vào tuần trước và bác bỏ một loạt các phương án thay thế bản thỏa thuận Brexit do Thủ tướng đưa ra trong phiên bỏ phiếu ngày 1/4.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đang mất dần sự kiên nhẫn và đã lên tiếng cảnh báo về kịch bản Anh rời khỏi ngôi nhà chung với những hậu quả và chi phí tốn kém trừ khi nước này đưa ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa Chính phủ và Quốc hội trong vấn đề Brexit.
Ngày 3/4, các nghị sỹ Anh đã thông qua một dự luật buộc Thủ tướng Theresa May tìm cách hoãn thời điểm thực thi Brexit để ngăn chặn kịch bản Anh rời EU vào ngày 12/4 mà không đi kèm theo thỏa thuận.
Dự kiến vào ngày 10/4, các nhà lãnh đạo EU sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh bất thường để nghe Thủ tướng Anh trình bày ý tưởng nhằm giải quyết vấn đề Brexit.
Liên hợp quốc thúc đẩy mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy các mục tiêu trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) – một Hiệp ước duy nhất bao gồm những cam kết mang tính chất ràng buộc pháp lý trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân.
Cam kết trên được các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra sau phiên họp của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc về ủng hộ NPT, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) trước thềm Hội nghị Rà soát NPT năm 2020.
Trong tuyên bố đưa ra sau phiên họp, ngày 2/4, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tái khẳng định cam kết thúc đẩy các mục tiêu của NPT, xem đây là một trụ cột của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân và là nền móng theo đuổi mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Tuyên bố nhấn mạnh tính hiệu lực và đặc tính củng cố lẫn nhau của tất cả các cam kết trong Hiệp ước, cũng như tính cần thiết của việc hoàn tất và tầm quan trọng của việc đạt được sự tuân thủ phổ biến đối với Hiệp ước.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí rằng Hội nghị Rà soát NPT năm 2020 được tổ chức ở New York (Mỹ) sẽ mở ra cơ hội để các nước tham gia ký kết tái khẳng định cam kết đối với Hiệp ước này.
NATO ủng hộ nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các nước đồng minh chi nhiều hơn nữa cho quốc phòng đang có những tác động thực sự.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 3/4, TTK NATO Stoltenberg nhận định việc Tổng thống Trump thúc giục các nước đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng đã có tác động và giúp liên minh này mạnh mẽ hơn. Ông nhấn mạnh rằng sau nhiều năm cắt giảm ngân sách quốc phòng, tất cả các nước đã tăng chi tiêu trở lại. Các đồng minh châu Âu và Canada đã chi thêm 41 tỷ USD trong hai năm qua và đến cuối năm 2020, con số đó sẽ tăng lên 100 tỷ USD.
TTK Stoltenberg là lãnh đạo NATO đầu tiên có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ vào đúng thời điểm NATO kỷ niệm 70 năm thành lập. Trước đó, ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Trump.
Các nước thành viên NATO cam kết chi tối thiểu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các nước thành viên này không đáp ứng cam kết đó. Theo ông Trump, Chính phủ Mỹ dành 3,5% GDP cho quốc phòng và các thành viên NATO nên chia sẻ gánh nặng này.
Ngày 4/4, tại thủ đô Washington của Mỹ, Hội nghị cấp ngoại trưởng các nước thuộc NATO nhân dịp 70 năm thành lập khối liên minh này đã kết thúc sau hai ngày làm việc với nội dung tập trung thảo luận về Nga và cuộc chiến chống khủng bố.
Hàn Quốc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì hỏa hoạn
Chính phủ Hàn Quốc đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và huy động mọi nguồn lực sẵn có để kiểm soát vụ hỏa hoạn nghiêm trọng lan rộng các khu rừng và các thành phố dọc bờ biển phía đông nước này.
Ngày 5/4, Chính phủ Hàn Quốc đã huy động 900 xe cứu hỏa, hơn 13.000 nhân viên cứu hỏa để kiểm soát ngọn lửa khổng lồ. Ngọn lửa được cho là bắt nguồn từ thị trấn miền núi Goseong, cách thủ đô Seoul khoảng 160 km về phía Đông Bắc vào tối 4/4, sau đó lan rộng sang các địa phương lân cận như Sokcho, Gangneung và Donghae trong vòng vài giờ.
1 người thiệt mạng và 35 người khác bị thương, hàng nghìn người phải sơ tán và thiệt hại về tài sản là vô cùng lớn liên quan đến vụ hỏa hoạn mà theo đánh giá của giới chức địa phương là “có quy mô chưa từng có”.
Chính phủ Hàn Quốc đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia tại các khu vực bị ảnh hưởng vào lúc 9 giờ sáng ngày 5/4, cho phép cung cấp nhanh chóng các nguồn lực cần thiết để giảm thiểu tối đa thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết, hầu hết đám cháy ở Goseong đã được kiểm soát và hơn 50% đám cháy ở Inje và Gangneung đã được kiểm soát vào trưa 5/4.
Ngày 6/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố các khu vực chịu hỏa hoạn là vùng thảm họa đặc biệt, tạo điều kiện để đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ của chính phủ cho chính quyền và cư dân tại những khu vực này./.