Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới tuần qua: Cuộc đua nước rút bầu cử Tổng thống Mỹ

Chủ Nhật, 25/08/2024 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tuần qua, dư luận thế giới hướng sự chú ý vào những diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris chấp nhận đề cử tổng thống của đảng Dân chủ, danh sách các ứng cử viên dần ngã ngũ. Cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút.

Bà Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ

 Bà Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. (Ảnh: TTXVN)

Sau kết quả bỏ phiếu chính thức diễn ra vào tối 20/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được phê chuẩn là ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Trong thông điệp video sau khi chính thức nhận đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris nêu rõ: "Chúng tôi rất vinh dự khi được mọi người đề cử. Đây là chiến dịch tranh cử do mọi người thúc đẩy và chúng ta sẽ cùng nhau lập ra lộ trình mới để tiến về phía trước". 

Trên thực tế, thủ tục tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ chỉ mang tính nghi thức. Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu qua email và điện thoại thực hiện hồi đầu tháng này, bà Harris đã hội đủ phiếu ủng hộ để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Tại đại hội, đại biểu các bang một lần nữa thông báo về quyết định của mình thông qua một cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng.

Ngày 22/8, bà Harris đã đón nhận thông tin tích cực từ khối cử tri da màu, khi kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy các cử tri người Mỹ gốc Phi ủng hộ bà đang cao hơn so với ứng cử viên Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa. Cụ thể, có tới 77% số cử tri da màu được hỏi nói rằng họ sẽ bỏ phiếu hoặc có xu hướng ủng hộ bà Harris, trong khi đó tỷ lệ này dành cho cựu Tổng thống D.Trump và ứng cử viên Tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr. lần lượt là 13% và 7%. Dự kiến ứng cử viên Kennedy sẽ sớm chính thức tuyên bố rút khỏi chiến dịch tranh cử.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hối thúc chấm dứt xung đột ở Trung Đông

 Một người đàn ông ngồi trước một tòa nhà bị phá hủy ở thị trấn Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 22/8/2024. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 22/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập cuộc họp để thảo luận tình hình thực tế tại khu vực Trung Đông giữa lúc cuộc xung đột ở Gaza đã bước sang tháng 11 liên tiếp. Đây là cuộc họp mới nhất của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, tiếp sau phiên họp khẩn cấp hôm 14/8.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện ngoại giao nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Gaza. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo để đảm bảo việc vận chuyển vắc-xin bại liệt vào Gaza một cách an toàn. Hiện Gaza đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bại liệt sau khi dịch bệnh này đã bị xóa sổ 25 năm trước.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ cuộc xung đột gây ra thảm kịch nhân đạo ở Gaza sẽ lan rộng ra phạm vi khu vực. Những bất đồng chưa được hóa giải giữa Israel và Palestine cùng tình trạng chiếm đóng liên tục đang tạo ra một tình huống “dễ bùng nổ” trong khu vực.

Theo số liệu thống kê do Cơ quan phụ trách y tế ở Gaza công bố ngày 22/8, số người Palestine thiệt mạng trong các vụ tấn công đang diễn ra của Israel hiện đã lên tới 40.265 người, với 93.144 người bị thương. Con số thương vong trên thực tế có thể còn cao hơn do vẫn còn một số nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và nằm rải rác trên đường, do xe cứu thương và đội phòng vệ dân sự không thể tiếp cận được họ.

WHO kêu gọi các nước chung tay ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

 Một trung tâm điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở thành phố Goma, CHDC Congo. (Ảnh: Saipan Tribune)

Ngày 20/8, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge đã kêu gọi các nước châu Âu và các nước khác cùng phối hợp các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát và "xóa sổ" bệnh đậu mùa khỉ (mpox) trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu tại họp báo, ông Kluge cho rằng cho dù là chủng mới hay cũ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ không lặp lại kịch bản tương tự như những gì thế giới trải qua khi ứng phó với đại dịch COVID-19, bởi cơ quan y tế các nước đã biết cách khống chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Vì vậy, quan chức này cho rằng việc các nước lựa chọn cách thức chung tay khống chế bệnh đậu mùa khỉ hiện nay và trong những năm tới sẽ là một phép thử quan trọng đối với cả châu Âu nói riêng và thế giới nói chung về năng lực ứng phó với đại dịch.

Thông điệp trên được đưa ra trong bối cảnh WHO ngày 14/8 ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở các nước châu Phi. Hiện bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở CHDC Congo và các nước láng giềng với chủng bệnh đặc hữu, được gọi là "clade I" và một biến thể mới được gọi là "clade Ib" gây quan ngại toàn cầu do biến thể mới này dường như dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần.

Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới "clade Ib" gây bệnh mpox tại quốc gia châu Âu này. Đây là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới của bệnh đậu mùa khỉ. 

Iran phê chuẩn toàn bộ 19 thành viên Nội các của tân Tổng thống M.Pezeshkian

 Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Iran ở Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Iran ngày 21/8 đã phê chuẩn toàn bộ 19 bộ trưởng trong Nội các của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên qua, Quốc hội Iran thông qua toàn bộ danh sách Nội các được một tổng thống đề cử.

Trái ngược với Nội các theo đường lối cứng rắn của người tiền nhiệm Ebrahim Raisi, các thành viên trong chính phủ mới của Iran gồm những nhân vật theo đường lối cải cách, trong đó có Bộ trưởng Y tế Mohammadreza Zafarqandi. Trong bài phát biểu trước 285 nghị sỹ có mặt tại quốc hội, Tổng thống Pezeshkian đã nhắc lại sự cần thiết của đoàn kết và thống nhất.

Trong Nội các của Tổng thống Pezeshkian, ông Abbas Araqchi giữ chức Ngoại trưởng, ông Mohsen Paknejad giữ chức Bộ trưởng Dầu mỏ. Đáng chú ý, bà Farzaneh Sadeq đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Đường bộ và Giao thông. Bà là nữ bộ trưởng thứ 2 kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo thành lập vào năm 1979.

Ông Pezeshkian, 69 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai của Iran ngày 5/7 vừa qua. Theo kế hoạch ban đầu, Iran tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã được đẩy lên sớm sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 vừa qua tại vùng núi ở Tây Bắc nước này. Ngày 21/8, Iran đã công bố nguyên nhân khiến chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi bị rơi hồi tháng 5 khiến ông và phái đoàn tùy tùng thiệt mạng là do điều kiện thời tiết xấu và máy bay chở quá tải trọng. Thông tin trên được hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran dẫn một nguồn tin an ninh thông báo kết quả điều tra cuối cùng vụ tai nạn máy bay.

Mức tăng trưởng việc làm hằng năm của Mỹ thấp hơn so với kỳ vọng

Người lao động đăng ký tìm việc tại hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida (Mỹ). (Ảnh: Getty Images/TTXVN) 

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 21/8 (giờ địa phương), tăng trưởng việc làm hằng năm của nước này tính đến tháng 3/2024 không như kỳ vọng ban đầu, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng lo ngại về "sức khỏe" của thị trường lao động, trong bối cảnh cơ quan này đang cân nhắc việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Báo cáo này cho biết ước tính về tổng số việc làm được tạo thêm trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024 đã được Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh giảm 818.000 việc làm so với báo cáo ban đầu.

Việc điều chỉnh này đã khiến mức tăng trưởng việc làm trung bình hằng tháng trong giai đoạn này giảm xuống còn 174.000 việc làm/tháng, so với mức 242.000 việc làm được báo cáo trước đó.

Trong bối cảnh tình hình lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách của FED đang chuyển sự chú ý sang đảm bảo những tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ không làm chệch hướng thị trường lao động, vốn được coi là đang dần hạ nhiệt.

Dữ liệu việc làm yếu hơn kỳ vọng trong tháng Bảy đã làm dấy lên những lo ngại rằng FED có thể đã chờ quá lâu để bắt đầu cắt giảm lãi suất, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ sau đại dịch COVID-19 là 4,3%. Thị trường tài chính đang kỳ vọng mạnh mẽ FED sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách từ ngày 17-18/9 tới./.

 
PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN