Thế giới tuần qua: Căng thẳng chưa hạ nhiệt tại Trung Đông
(ĐCSVN) – Các cuộc tấn công vẫn diễn ra bất chấp thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah; trong khi những nỗ lực đàm phán ngừng bắn ở Gaza vẫn chỉ đạt được rất ít tiến bộ… là những sự kiện cho thấy căng thẳng tại Trung Đông trong tuần qua (25/11 – 1/12) vẫn chưa hạ nhiệt.
Israel tấn công các cơ sở quân sự ở Syria giáp Liban
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 30/11 cho biết không quân nước này (IAF) trong cùng ngày đã tấn công các cơ sở quân sự ở Syria gần biên giới Liban.
Những toà nhà bị phá huỷ sau các vụ không kích của Israel tại cửa khẩu Al-Aboudieh ở Lebanon, giáp biên giới với Syria ngày 27/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Israel cáo buộc các cơ sở này được sử dụng để phục vụ mục đích buôn lậu vũ khí cho phong trào Hezbollah có trụ sở tại Lebanon, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn hiện tại. Tuyên bố của IDF trên mạng xã hội Telegram nêu rõ: “Sáng nay, IAF đã tiến hành đợt tấn công dựa trên thông tin tình báo vào các cơ sở hạ tầng quân sự liền kề với các cửa khẩu biên giới giữa Syria và Lebanon mà Hezbollah thường xuyên sử dụng để buôn lậu vũ khí từ Syria vào Lebanon”. IDF khẳng định sẽ tiếp tục hành động tương tự để loại bỏ mọi mối đe dọa đối với Israel, vốn “vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn”.
Kể từ khi xung đột với Hezbollah leo thang mạnh vào cuối tháng 9/2024, Israel đã thường xuyên tiến hành các cuộc không kích tại khu vực biên giới Syria giáp với Lebanon, cũng như tại các khu vực ở thủ đô Damascus của Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ ngày 27/11. Nội dung thỏa thuận bao gồm việc rút quân đội Israel khỏi Lebanon trong vòng 60 ngày. Đồng thời, quân đội Lebanon sẽ tiếp quản quyền kiểm soát miền Nam Lebanon, trong khi Hezbollah sẽ di dời lực lượng về phía Bắc Sông Litani.
Động thái thúc đẩy đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza
Một phái đoàn của Phong trào Hồi giáo Hamas đến Cairo trong ngày 30/11 để thảo luận và tham vấn các quan chức Ai Cập về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Một khu vực bị phá hủy trong đợt không kích của Israel ở Gaza City ngày 27/11. Ảnh: AFP |
Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 29/11 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chuyến đi của phái đoàn Hamas diễn ra vài ngày sau khi Mỹ thông báo nước này cùng với Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu những nỗ lực mới nhằm khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza. Nhiều tháng nỗ lực đàm phán ngừng bắn ở Gaza đã mang lại rất ít tiến bộ và các cuộc đàm phán đang bị đình trệ.
Liên quan tình hình chiến sự, ngày 29/11, Cơ quan Phòng vệ dân sự Dải Gaza thông báo một cuộc tấn công của quân đội Israel tại quận Beit Lahia, phía Bắc Gaza, đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng.
Trong khi đó, ngày 29/11, các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, các cuộc giao tranh tiếp tục đẩy người dân Palestine ở Dải Gaza vào thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng với khoảng130.000 người phải di dời trong 7 tuần qua. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), ở phía Bắc Gaza, trong đó có thành phố Gaza, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt nấu ăn đã buộc các gia đình phải đốt rác để lấy nhiên liệu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp vào thời điểm hoạt động chăm sóc y tế còn rất hạn chế.
OCHA cho biết thêm khoảng 545.000 người đang sống trong các tòa nhà bị hư hại và nơi trú ẩn tạm thời, nhấn mạnh cần phải có hàng nghìn tấm bạt và bộ dụng cụ bịt kín để đảm bảo không gian sống tối thiêu tại Gaza.
Các bên chính thức ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực ở Mỹ
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã ký một biên bản ghi nhớ với Nhà Trắng, qua đó chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden sau nhiều tuần trì hoãn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 13/11. (Ảnh: AFP) |
Thông báo của bà Susie Wiles, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng cho biết, bước đi nói trên cho phép những người được đề cử vào Nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu các công tác chuẩn bị quan trọng, bao gồm triển khai các nhóm tiền trạm đến tất cả các Bộ và cơ quan cũng như hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự.
Động thái trên sẽ cho phép đội ngũ của ông Donald Trump phối hợp trực tiếp với các cơ quan liên bang và tiếp cận hồ sơ để bảo đảm bộ máy với hơn 2,2 triệu công chức liên bang vẫn tiếp tục vận hành trong thời gian Nhà Trắng chuyển giao quyền lực.
Việc ký kết thỏa thuận chuyển giao quyền lực với Nhà Trắng là yêu cầu bắt buộc để đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ được cấp ngân sách và giấy phép an ninh nhằm tiến hành việc tiếp quản công việc.
Việc đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump ký bản thỏa thuận chuyển giao quyền lực với Nhà Trắng diễn ra đúng 3 tuần sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Dự kiến, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm tới.
Kênh đào Suez thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu
Ngày 25/11 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cho biết, nước này đã thiệt hại tới 8 tỷ USD do doanh thu từ Kênh đào Suez giảm mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột tại Dải Gaza và Lebanon, ngày càng diễn biến phức tạp.
Tàu thuyền chuẩn bị di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Phát biểu trong phiên đối thoại với chủ đề "Đối thoại vì Hòa bình" bên lề Hội nghị Đối thoại Địa Trung Hải lần thứ 10 diễn ra tại Rome (Italy), ông Abdelatty nhấn mạnh, Ai Cập là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động từ những cuộc xung đột căng thẳng leo thang kéo dài ở Biển Đỏ. Ông Abdelatty nhấn mạnh, Ai Cập đang thất thu hơn 600 triệu USD/tháng do tác động tiêu cực từ cuộc chiến kéo dài hơn một năm tại Gaza.
Doanh thu từ Kênh đào Suez của Ai Cập đã giảm mạnh xuống 7,2 tỷ USD trong năm tài chính 2023-2024, từ mức 9,4 tỷ USD ghi nhận trong năm tài chính 2022-2023. Năm tài chính ở Ai Cập bắt đầu vào ngày 1/7 của năm trước và kết thúc vào ngày 30/6 của năm sau.
Kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát vào tháng 10/2023, lực lượng Houthi ở Yemen đã nhiều lần tấn công các tàu thuyền qua lại trên Biển Đỏ và Vịnh Aden có liên kết với Israel, nhằm thể hiện sự đoàn kết với Palestine trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, làm gián đoạn giao thông hàng hải ở Biển Đỏ.
Nhiều công ty vận tải buộc phải chuyển hướng khỏi con kênh đào của Ai Cập và chọn tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động hàng hải qua kênh đào Suez.
Khoảng 2000 gia đình mất nhà cửa trong vụ hỏa hoạn tại Philippines
Khoảng 2.000 gia đình đã mất nhà cửa sau vụ hỏa hoạn kéo dài sáu giờ, thiêu rụi khoảng 1.000 ngôi nhà tồi tàn ở Isla Puting Bato, thuộc thủ đô Manila của Philippines.
Các lực lượng cứu hoả nỗ lực dập tắt đám cháy ở Isla Puting Bato, thủ đô Manila, Philippines (Ảnh: Philstar.com) |
Vụ hoả hoạn xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày 24/11 tại một khu ổ chuột - là nơi sinh sống của khoảng 2000 hộ gia đình ở thủ đô Manila của Philippines.
Theo Sở Cứu hoả Manila, khoảng 1.000 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy được cho là bắt đầu từ một tiệm bánh.
Nhà chức trách cho biết những ngôi nhà làm bằng vật liệu nhẹ, dễ cháy đã chìm trong biển lửa. Lực lượng Không quân Philippines đã sử dụng trực thăng thả nước xuống khu ổ chuột bên Vịnh Manila, trong khi cảnh sát biển huy động 4 tàu cứu hỏa. Bên cạnh đó, 36 xe chữa cháy cũng được điều đến hiện trường.
Gió mạnh thổi từ vịnh vào đã góp phần làm đám cháy lan nhanh, trong khi những con phố hẹp và người dân bỏ chạy khiến các phương tiện chữa cháy gặp khó khăn.
Đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn. Chưa có báo cáo nào cho thấy thiệt hại về người, dù một số lính cứu hỏa bị thương.
Trong khi đó, những cư dân ở khu ổ chuột phải di dời đang trú ẩn tại trung tâm sơ tán Delpan. Thị trưởng Manila Honey Lacuna đã đến thăm các gia đình bị ảnh hưởng và phân phát các bữa ăn cũng như lều bạt cho người dân. Bà Lacuna cho biết, các gia đình có thể ở lại trung tâm sơ tán cho đến khi các giải pháp nhà ở cố định được sắp xếp.
Lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc./.