Thế giới tuần qua: Bạn bè quốc tế xúc động tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(ĐCSVN) – Lãnh đạo nhiều nước, bạn bè quốc tế đã đến viếng, tiễn biệt và chia sẻ tình cảm, cảm xúc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong tuần qua (22 - 28/7). Những tình cảm đặc biệt mà người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần khắc hoạ sâu sắc hình ảnh một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn và được nhân dân, bạn bè quốc tế kính trọng.
Bạn bè quốc tế xúc động tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, hai ngày Lễ Quốc tang (25 - 26/7), các Đoàn đại biểu của nhiều nước, các vị Đại sứ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tham dự Lễ viếng, Lễ Truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Trong niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi mãi mãi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn đại biểu nhiều nước, bè bạn đã đến viếng và có những dòng viết chân tình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước và nhân dân Việt Nam, người đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cũng như trong việc vun đắp các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, góp phần xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ 7 giờ đến 24 giờ ngày 25/7; từ 7 giờ đến 12 giờ ngày 26/7/2024, có hơn 5.600 Đoàn (với hơn 252.000 lượt người) là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân; các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đã có 100 Đoàn khách quốc tế tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông và tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những ngày qua, các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đồng loạt đưa thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhấn mạnh vai trò của Tổng Bí thư trong công cuộc xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiều nước bạn bè như Lào, Cuba đã tuyên bố quốc tang để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng thời điểm trên, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã tổ chức Lễ viếng và mở Sổ tang tưởng niệm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Mỹ J.Biden rút khỏi chiến dịch tái tranh cử
Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tranh cử. Đứng cạnh ông là Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: AP |
Ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ý định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách làm ứng cử viên của đảng Dân chủ để cạnh tranh với ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Thông báo mới nhất của Tổng thống J.Biden đã chấm dứt nhiều tuần đồn đoán về quyết định của ông trong cuộc bầu cử năm nay. Diễn biến này cũng nêu bật mức độ nghiêm trọng của những vấn đề bầu cử mà ông J.Biden phải đối mặt sau cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump - người đã chính thức chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa vào tuần trước.
Cùng ngày, một số nhân vật hàng đầu của đảng Dân chủ đã nhanh chóng đưa ra lời ca ngợi đối với những thành tựu của Tổng thống J.Biden sau khi ông đưa ra quyết định nêu trên.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris ca ngợi quyết định của Tổng thống J.Biden là “mang tinh thần yêu nước”, đồng thời mong sớm nhận được đề cử chính thức của đảng Dân chủ và đánh bại đối thủ D.Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sau khi ông Biden tuyên bố dừng tranh cử hôm 21/7 và ủng hộ bà Harris thay thế mình, Phó Tổng thống Mỹ đã lập tức hành động. Bà tới thành phố Milwaukee, bang Wisconsin hôm 23/7, đánh dấu cuộc vận động tranh cử đầu tiên từ khi Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhiều nghị sĩ Dân chủ, trong đó có các thành viên cấp cao cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ bà khi đại hội toàn quốc của đảng chỉ còn cách vài tuần.
Theo kết quả do Emerson College Polling/Hill công bố ngày 25/7, ông D.Trump và bà Harris cạnh tranh sít sao ở hầu hết bang "chiến trường", những nơi có thể định đoạt kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Thế giới ghi nhận ngày 22/7 là ngày nóng nhất trong lịch sử
Màn hình hiển thị nhiệt độ ngoài trời 43 độ C tại một công viên ở Bucharest, Romania. (Ảnh: Xinhua) |
Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) cho biết thế giới tiếp tục ghi nhận ngày 22/7 là ngày nóng nhất từ trước đến nay, vượt qua kỷ lục vừa được xác lập ngày 21/7.
Theo C3S, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,15 độ C, cao hơn 0,06 độ C so với kỷ lục 17,09 độ C ghi nhận ngày 21/7.
Kỷ lục gần đây nhất được xác lập trong 4 ngày liên tiếp là vào đầu tháng 7/2023. Trước đó, ngày nóng nhất được ghi nhận trong tháng 8/2016.
Theo nhà khoa học khí hậu Karsten Haustein (Đại học Leipzig, Đức), ngày 22/7 vừa qua có thể đã lập kỷ lục toàn cầu mới về nhiệt độ trung bình cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, kỷ lục này đã bị phá vỡ khi thế giới đang ở trong vùng trung lập và không còn chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.
Những ngày gần đây, các thành phố của Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Các quốc gia vùng Vịnh cũng phải chịu nắng nóng do chỉ số nhiệt - bao gồm cả độ ẩm - vượt quá 60 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ ở nhiều nơi tại châu Âu đã tăng quá 45 độ C.
Các nhà khoa học cho rằng, việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch dẫn tới biến đổi khí hậu là nguyên nhân đứng sau các kỷ lục về nắng nóng. Diễn biến thời tiết năm nay khác với năm 2023 khi những kỷ lục về nắng nóng được ghi nhận kèm hiện tượng khí hậu El Nino.
Số người thiệt mạng trong thảm kịch lở đất ở Ethiopia có thể lên tới 500 người
Người dân hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân bị lở đất chôn vùi ở vùng Gofa, miền Nam Ethiopia. (Ảnh: AP) |
Ngày 25/7, Liên hợp quốc cho biết số người chết vì vụ lở đất kinh hoàng ở miền Nam Ethiopia đã tăng lên 257 người, đồng thời cảnh báo con số này có thể tăng lên tới 500 người.
Các trận mưa lớn đã gây ra lở đất, chôn vùi nhiều người tại khu vực Gofa, miền Nam Ethiopia vào đêm 21/7. Sau đó, một trận lở đất thứ hai vào ngày hôm sau đã bất ngờ xảy ra và cuốn trôi những người đang tham gia cứu hộ. Thảm họa xảy ra ngày 22/7 sau đợt mưa lớn kéo dài tại khu dân cư miền núi thuộc bang Nam Ethiopia và là trận lở đất kinh hoàng nhất được ghi nhận ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) dẫn thông tin từ chính quyền địa phương cho biết số người chết đã tăng lên 257 người. OCHA lo ngại số người chết có thể lên tới 500 người.
Tại hiện trường ở khu vực Kencho Shacha Gozdi, hàng trăm người vẫn đang lội bùn tìm kiếm những người có thể còn sống sót sau trận lở đất kinh hoàng.
Theo OCHA, hơn 15.000 người bị ảnh hưởng cần phải sơ tán, trong đó có ít nhất 1.320 trẻ em, cũng như 5.293 phụ nữ mang thai và sản phụ mới sinh.
OCHA cho biết khu vực Nam Ethiopia đã phải hứng chịu những trận mưa ngắn theo mùa từ tháng 4 đến đầu tháng 5, gây ra lũ lụt và di dời hàng loạt. Các trận lở đất tại Ethiopia đã gây ra sự chú ý và lo ngại trên toàn cầu. Những cơn mưa lớn không chỉ gây ra lở đất mà còn làm ngập lụt tại nhiều khu vực. Các tổ chức cứu trợ quốc tế đang hợp tác với chính quyền Ethiopia để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa này.
Ngày 27/7, quốc kỳ của Ethiopia được treo rủ, bắt đầu 3 ngày quốc tang để tưởng niệm 257 nạn nhân đã được ghi nhận thiệt mạng sau trận lở đất kinh hoàng tại miền Nam nước này.
Thế vận hội mùa Hè 2024 (Olympic Paris 2024) chính thức bắt đầu sau lễ khai mạc đặc biệt
Biểu tượng đôi cánh và vòng tròn Olympic trên Tháp Eiffel trong lễ khai mạc. (Ảnh: Reuters) |
Đúng 19h30 giờ địa phương (00h30 ngày 27/7 theo giờ Hà Nội), Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Hè 2024 (Olympic Paris 2024) đã bắt đầu bằng màn rước đuốc từ Sân vận động Stade de France đi qua các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Paris để đến Quảng trường Trocadéro, nơi Tổng thống Emmanuel Macron cùng hơn 160 nguyên thủ quốc gia và quan chức đến từ nhiều nước trên thế giới có mặt để chứng kiến lễ khai mạc, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Vua Tây Ban Nha Felipe VI, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, Tổng thống Argentina Javier Milei, Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden...
Bất chấp trời mưa, 1,5 tỷ khán giả trên thế giới đã được chiêm ngưỡng màn diễu hành của các vận động viên, nhiều tiết mục trình diễn của các nghệ sỹ, cùng bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và màu sắc có một không hai của Olympic Paris - Thế vận hội đầu tiên được tổ chức ngoài trời, trên sông nước.
Thế vận hội mùa Hè 2024 (Olympic Paris 2024) là lần thứ 33 sự kiện được tổ chức. Sự kiện chính thức diễn ra từ 26/7 đến 11/8, tuy nhiên một vài môn đã bắt đầu thi đấu từ ngày 24/7.
Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 với sự tham dự của 10.700 vận động viên, đại diện cho 206 đoàn tranh tài ở 32 môn thi đấu, với 329 nội dung. Việt Nam có 16 vận động viên tranh tài ở 19 nội dung, với mục tiêu giành được ít nhất 1 huy chương.
Trong 19 ngày sôi động của Thế vận hội, khoảng 300 sự kiện sẽ được tổ chức, dự kiến thu hút khoảng 10 triệu lượt khán giả đến xem trực tiếp.
Để đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 đã bố trí 45.000 nhân viên an ninh ở các địa điểm khác nhau, trong đó có 2.000 cảnh sát nước ngoài./.