Thế giới sắp kết thúc đại dịch COVID-19?
(ĐCSVN) – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/9 cho biết, thế giới chưa bao giờ ở thời điểm tốt hơn để chấm dứt đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nói trong một chương trình của kênh CBS ngày 18/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: nước Mỹ “đã qua đại địch”. Vậy thế giới đang ở đâu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19?
Có thể nhìn thấy vạch đích trong tầm mắt
Kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19 vào tháng 1/2020 và bắt đầu mô tả COVID-19 là một đại dịch vào 3 tháng sau đó, lần đầu tiên, người đứng đầu tổ chức này đưa ra một nhận định lạc quan rằng: “Thế giới đang ở thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức đó, nhưng cần phải bước tới để nắm bắt cơ hội này”.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhận định lạc quan về thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters) |
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã liên tưởng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới với cuộc chạy đua của một vận động viên marathon. Ông nói rằng: “Một vận động viên marathon không dừng lại khi vạch đích xuất hiện trong tầm mắt. Cô ấy chạy chăm chỉ hơn, với tất cả năng lượng còn lại. Vì vậy, chúng ta cần phải làm điều này. Chúng ta có thể nhìn thấy vạch đích và chúng ta đang ở vị trí chiến thắng”.
Người đứng đầu tổ chức y tế hàng đầu thế giới nhận định rằng, thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra khi nhà lãnh đạo WHO cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 hàng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Ông kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch. Theo báo cáo dịch tễ hằng tuần mà WHO gửi các cơ quan báo chí sau cuộc họp báo, tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 3,13 triệu ca COVID-19 mới (giảm 28% so với tuần trước) và 10.935 ca tử vong (giảm 22% so với tuần trước).
Tính đến nay, có tới hơn 617 triệu người trên thế giới đã mắc COVID-19, trong đó hơn 6,5 triệu người đã tử vong. Dù cho rằng sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai nhưng các quan chức WHO khẳng định thế giới đã có trong tay những công cụ như vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.
Vẫn còn nhiều việc cần làm
Phát biểu trong một chương trình truyền hình phát sóng tối 18/9 trên kênh CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, đại dịch COVID-19 “đã chấm dứt” ở Mỹ: “Không còn ai đeo khẩu trang. Mọi người đều trong trạng thái tốt, vì vậy tôi nghĩ tình hình đang thay đổi”. Tuy vậy, người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định rằng vẫn còn nhiều việc cần làm để đối phó với căn bệnh này. Cho đến nay, Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 97 triệu ca, trong đó hơn 1 triệu người đã tử vong.
Một cách thận trọng hơn, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết, thế giới sẽ còn trải qua các làn sóng lây nhiễm khác tại những thời điểm khác nhau, do những biến thể hoặc dòng phụ của biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Làn sóng COVID-19 mùa hè vừa qua do dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc, virus vẫn đang lây lan ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đồng thời, bà nhấn mạnh, thế giới đã có công cụ phòng chống dịch quan trọng là vaccine và các phương thức điều trị bệnh.
Mặc dù đang ở thời điểm thuận lợi, nhưng thế giới vẫn còn nhiều việc cần làm để có thể kết thúc đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa: ABC News) |
Trong khi đó, Tiến sĩ Fahad Razak, một chuyên gia Canada về dịch COVID-19 cho biết, các biến thể của virus corona thường xuất hiện trong suốt mùa thu và mùa đông, dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm và tử vong. Và xu hướng này có thể xảy ra một lần nữa trong năm nay. Tiến sĩ Fahad Razak nhấn mạnh, nếu chúng ta không thấy một làn sóng lây nhiễm mới trong mùa COVID-19 cao điểm, thì các chuyên gia có thể tuyên bố kết thúc đại dịch vào mùa xuân.
Nhằm tiếp tục những nỗ lực để tăng tốc cuộc chiến COVID-19 đang ở giai đoạn “nước rút”, WHO khuyến nghị 6 chính sách cho các quốc gia thành viên. Trước tiên là đầu tư tiêm chủng đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao nhất. Hai là tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gen virus để giám sát các biến chủng, tích hợp dịch vụ giám sát và xét nghiệm SARS-CoV-2 với các bệnh đường hô hấp khác, bao gồm cúm. Ba là bảo đảm có một hệ thống chăm sóc sẵn sàng bệnh nhân COVID-19, tích hợp vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; lập kế hoạch cho các đợt bùng phát với sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và nhân lực. Bốn là duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế. Tiếp đến, các chính phủ cần trao đổi rõ ràng với cộng đồng về bất kỳ thay đổi nào trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19. Cuối cùng, kiên quyết chống lại thông tin sai lệch, phát triển thông tin y tế chất lượng cao ở định dạng kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, chuyên gia WHO Shane Fairlie nhận định rằng, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết, hướng tới một Việt Nam “vững vàng và khỏe mạnh” hơn trong bối cảnh hiện nay./.