Thế giới phải sẵn sàng ứng phó với những thách thức về sức khỏe
(ĐCSVN) – Nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia hợp lực để thế giới có thể ứng phó với những thách thức về sức khỏe sắp tới.
Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Luanda, Angola. (Ảnh: WHO) |
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12), Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết kể từ khi virus được báo cáo lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 31/12/2019, những thiệt hại do nó gây ra đã lên đến mức thảm khốc. “Hàng triệu người đã thiệt mạng và hàng trăm triệu người mắc bệnh. Các nền kinh tế đã phải suy sụp, hệ thống y tế căng thẳng và hàng nghìn tỷ USD đã bị mất” – Tổng thư ký António Guterres nhắc lại, đồng thời cho biết thêm rằng việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Đáng chú ý, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, các nước đang phát triển thường phải tự lo cho chính mình, không may khi họ bị từ chối được phân phối vaccine, xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị mà họ cần để bảo vệ người dân.
Tổng thư ký António Guterres cảnh báo rằng COVID-19 không phải là dịch bệnh hay đại dịch cuối cùng mà nhân loại sẽ trải qua và những thách thức sức khỏe trong tương lai có thể vượt xa những thách thức trước đó về cường độ và mức độ nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nêu rõ: “Là một cộng đồng toàn cầu, chúng ta phải học những bài học đắt giá về COVID-19 và tích cực đầu tư vào các biện pháp chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch”. Theo ông, điều quan trọng là phải tăng cường giám sát để phát hiện và theo dõi chặt chẽ diễn biến của các loại virus có nguy cơ gây dịch; để làm cho các hệ thống y tế linh hoạt hơn và được hỗ trợ bởi bảo hiểm y tế toàn dân; nhân viên y tế được đào tạo bài bản, trang bị tốt và được trả công xứng đáng. Đặc biệt, “chúng ta cũng cần tất cả các quốc gia được tiếp cận bình đẳng với vaccine, phương pháp điều trị, chẩn đoán và công nghệ cứu sinh”.
Bên cạnh đó, ông António Guterres cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc chống lại "tai họa của thông tin sai lệch và giả khoa học thông qua khoa học và thông tin thực tế". Đây là lý do tại sao cần tăng cường nhận thức, trao đổi thông tin, kiến thức khoa học và thực tiễn tốt về các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Theo nhà Tổng thư ký Liên hợp quốc, không thể chống lại đại dịch theo từng quốc gia. Cả thế giới phải chung sức. “COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh” – ông kết luận.
Năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết về việc thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã thông qua nghị quyết này bằng đồng thuận và có tới 112 quốc gia đồng bảo trợ nghị quyết. Với nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức của hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực khác, khu vực tư nhân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức học thuật, các cá nhân và các bên liên quan khác tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 hàng năm, thông qua các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức, nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác ứng phó với các dịch bệnh. |