Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới ghi nhận gần 92.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 2 năm qua

Thứ Hai, 27/11/2023 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính từ tháng 1/2022 đến hết tháng 10/2023, thế giới ghi nhận tổng số 91.788 ca nhiễm và 167 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế giới ghi nhận tổng số 91.788 ca nhiễm và 167 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: The Straits Times)

Những con số nói trên được WHO đưa ra ngày 25/11/2023.  Theo WHO, số ca mắc bệnh mpox gia tăng vào năm ngoái ở châu Âu và Mỹ đã khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây cũng là mức báo động cao nhất mà tổ chức này đưa ra vào tháng 7/2022. WHO đã dỡ bỏ tình trạng này vào tháng 5 năm nay nhưng khuyến cáo người dân nên cảnh giác.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu chủ yếu liên quan đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và những người có nhiều bạn tình. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng trong 5 ngày. Sau đó, người bệnh xuất hiện các nốt phát ban trên mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, tiếp đến là các tổn thương đau đớn, các vết đốm và cuối cùng là bong vảy. Bệnh nhân thường tự khỏi sau từ 2-4 tuần. Bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu.

Tại Cộng hòa dân chủ Congo, bệnh đang lây lan mạnh. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 12/11/2023, nước này ghi nhận tổng cộng 12.569 trường hợp nghi ngờ mắc mpox, trong đó bao gồm 581 trường hợp tử vong. Đây là con số bệnh nhân bệnh này tính theo năm cao nhất tại Congo từ trước tới nay. Ca bệnh đậu mùa khỉ ở người đầu tiên tại Congo được xác định vào năm 1970. Bệnh chủ yếu lưu hành tại một số quốc gia Tây và Trung Phi, do virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.

WHO cho biết có tới 22/26 tỉnh của Congo báo cáo các ca nhiễm bệnh, với các trường hợp mới ở các khu vực bệnh chưa từng xuất hiện, trong đó có Kinshasa, Lualaba và Nam Kivu. Các chuyên gia WHO lo ngại nguy cơ lây truyền một biến thể mới và đang phối hợp với Bộ Y tế Congo để đánh giá tình hình.

Bệnh đậu mùa khỉ mpox trước đây có tên là monkeypox. Nhằm tránh những hiểu lầm và kì thị không đáng có liên quan đến tên gọi của bệnh đậu mùa khỉ, WHO ngày 28/11/2022 đã công bố tên tiếng Anh mới của dịch bệnh này. Theo đó, tên tiếng Anh cũ của bệnh đậu mùa khỉ là “monkeypox” sẽ được đổi thành “mpox”.

Tên gọi đậu mùa khỉ (monkeyfox) xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo và căn bệnh này chỉ lưu hành tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh chóng trên thế giới, trong đó chủ yếu là những người quan hệ đồng tính nam. Các chuyên gia cho rằng tên gọi bệnh đậu mùa khỉ có thể gây nhận thức sai lầm về nguồn gốc virus cũng như tạo sự kỳ thị không đáng có./.

PG (theo WHO, The Straits Times/AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN