Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thấy gì từ “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc?

Thứ Sáu, 11/11/2022 15:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, thông tin liên quan đến “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thực tế, dù tiếp cận ở góc độ nào thì tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc cũng đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, sử dụng, đãi ngộ đối với lao động tại khu vực Nhà nước hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối Giáo dục là 16.000 người, khối Y tế là hơn 12.000 người.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh X.Đ)

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ: “Tôi cho rằng không có gì đáng quan ngại cả, nhưng cũng không chủ quan, cần quan tâm để tiếp tục có những cải cách về công vụ phù hợp và thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi thực tế, con số gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số biên chế trong thời gian hơn 2 năm nhưng cũng cần tìm ra các nguyên nhân khiến một bộ phận công chức, viên chức xin thôi việc. Tìm ra được nguyên nhân là cơ sở để xác định các chủ trương, giải pháp phù hợp.

“Làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.

Với góc nhìn lạc quan, một số chuyên gia cho rằng công chức, viên chức nghỉ việc là sự vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, vì ai cũng muốn hướng tới công việc và môi trường làm việc tốt hơn. Đây còn là tín hiệu tích cực khi người lao động có ý thức đầy đủ hơn về vấn đề lao động và hiệu suất lao động của bản thân; không “an phận thủ thường” như trước nữa. Và dù lao động làm việc ở khu vực công hay tư cũng đều góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; khi thái độ và khả năng làm việc tốt hơn thì hiệu suất đóng góp cho xã hội của các nhóm lao động cũng sẽ cao hơn.

Thực tế, những người đã quyết tâm từ bỏ công việc trong Nhà nước đa số là những người có năng lực tốt. Họ dám rời bỏ những nơi được coi là “ổn định” để thử thách khả năng ở một môi trường mới đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện ở nhiều nơi, nhiều đơn vị, công chức, viên chức chất lượng chuyên môn chưa cao, làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không phải ít. Và việc “chảy máu" công chức, viên chức chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu khiến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là từ vấn đề thu nhập, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. Vì vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận nghiêm túc về hoạt động, môi trường làm việc, cơ chế đãi ngộ đối với công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.

Khách quan đánh giá có thể thấy trong thời gian dài vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: Tinh giản biên chế, xây dựng văn hóa công sở; nhiều địa phương có chính sách đãi ngộ, thu hút người tài, tuyển dụng người thông qua thi tuyển… Song vẫn còn nhiều nơi, nhiều chỗ làm chưa hiệu quả. Việc tinh giản biên chế có nơi thực hiện theo kiểu “rượu cũ bình mới”, hay tình trạng “giảm chỗ nọ, phình chỗ kia”… Việc tuyển người qua thi tuyển có nhiều nơi đã thực hiện, nhưng đôi khi vẫn là hình thức, chiếu lệ, vẫn có hiện tượng “ưu ái” người thân quen... Một số nơi, cơ chế gần như cào bằng, không thể đãi ngộ hoặc nếu có thì không đáng kể cho những người làm được việc. Thực tế này đã không khuyến khích được tinh thần sáng tạo, nỗ lực của mọi người; thậm chí còn làm thui chột động cơ phấn đấu, cống hiến của một bộ phận những công chức, viên chức có năng lực thực sự.

Mặt khác, dù đã có những điều chỉnh nhất định nhưng nhìn chung chính sách tiền lương, phụ cấp cho người lao động ở khu vực Nhà nước còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của công chức, viên chức. Ở một số nơi, lượng công chức, viên chức “con ông cháu cha” làm việc kém hiệu quả còn không ít và thường được quan tâm, ưu ái hơn những người khác; từ đó dẫn đến sự mất công bằng và không tôn trọng những người làm được việc...

 Cần những giải pháp đồng bộ để khắc phục “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc. (Ảnh: Nhật Quang)

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc cũng đã được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Theo đó, phương án đầu tiên được đưa ra là sớm điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8%) để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2023 (trong đó có viên chức ngành giáo dục và y tế) và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công cho phù hợp với mức tăng lương cơ sở. Nếu việc điều chỉnh mức lương cơ sở được thông qua thì sẽ là sự hỗ trợ kịp thời đối với đại bộ phận công chức, viên chức ở khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, để khắc phục “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc, thiết nghĩ các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đẩy mạnh cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Từng bước đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ.

Về lâu dài, các cấp có thẩm quyền cần sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Đồng thời, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Qua thực tế xuất hiện "làn sóng" cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thiết nghĩ, chúng ta cần nhìn nhận một cách toàn diện, tổng thể về công tác quản lý, sử dụng, đãi ngộ đối với lao động tại khu vực Nhà nước hiện nay… Trên cơ sở đó để có sự thay đổi mạnh mẽ, đồng bộ từ chính sách đến việc thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, cơ chế tiền lương, đãi ngộ cũng như xây dựng môi trường văn hóa công sở... nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự yên tâm công tác, gắn bó với cơ quan, đơn vị; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan Nhà nước hiện nay./.

Vũ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN