Thấy gì từ đợt cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn?
(ĐCSVN) - Số lượng các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua tăng đột biến. Thực tế trên không chỉ cho thấy quyết tâm của lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn, mà còn phản ánh ý thức chấp hành các quy định điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 20 - 26/01), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền 50,428 tỉ đồng; tạm giữ 639 ôtô, 9.910 mô tô; 50 phương tiện khác; tước 4.950 giấy phép lái xe các loại.
Trong đó, phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm giao thông). So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%). Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Hải Phòng, 616 trường hợp; Hà Nội, 558 trường hợp; Thành phố Hồ Chí Minh, 483 trường hợp; Quảng Nam, 480 trường hợp...
Cảnh sát giao thôngCông an TP Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Phùng Đô. |
Dư luận cho rằng việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn trong các dịp lễ, tết là hoàn toàn phù hợp; là cơ sở góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân trong quá trình tham gia giao thông. Những con số nêu trên cũng là kết quả từ quyết tâm, nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn cả nước; góp phần rất tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan tới hành vi lái xe sau sử dụng rượu, bia nói riêng - hành vi vốn là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trong dịp Tết.
Mới đây, phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc do Bộ Công an tổ chức ngày 27/01, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: "Tết năm nay là Tết an toàn". Theo thống kê, trong 07 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 12 vụ (7,3%), giảm 3 người chết (3,3%) và tăng 08 người bị thương (8%).
Tuy nhiên, con số trên 7.720 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý, tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%) so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng cho thấy những bất cập thuộc về ý thức chấp hành các quy định điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH ĐT & Solutions (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, hiện tại, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện nay không phải là thấp, thậm chí ở mức cao so với các nước trong khu vực, do đó đã phần nào có sức răn đe.
Cụ thể, theo Nghị định 100, mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra 3 mức phạt tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế. Mức phạt này giao động từ 80.000 đồng đến 800.000 đồng (với người điều khiển xe đạp); từ 2 triệu đồng đến là 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng (với người điều khiển xe gắn máy); từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng (với người điều khiển xe ôtô).
Mặc dù biết, sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vì “ham vui”, “cả nể” vẫn uống và cố tình lái xe; một số người “buộc phải lái xe” vì không thể gọi được taxi, xe dịch vụ đột xuất trong những ngày Tết. “Dù với lý do gì, cá nhân sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho bản thân họ và người khác”, Luật sư Đỗ Xuân Đang nhấn mạnh.
Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông. |
Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, để khắc phục những bất cập thuộc về ý thức chấp hành các quy định về điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay cần thực hiện đồng thời cả hai nhóm giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục hoàn chỉnh các chế tài xử lý.
Cụ thể, để nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chuyên trách, các địa phương cùng với các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục. Thông qua các hình thức tuyên truyền trực quan, thi tìm hiểu trực tuyến… cần giúp người dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; các chế tài xử lý theo quy định hiện hành… Từ đó lan tỏa sâu rộng văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong đời sống xã hội.
Đồng thời, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định trường hợp tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật Giao thông đường bộ; thậm chí buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần thì tước bằng vĩnh viễn. Cũng nên có đa dạng hóa các hình thức xử phạt như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Và nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng có thể xem xét phạt tù.
Mặt khác, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Như vậy, pháp luật đang coi hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi vô ý. Trong khi thực tế, đa phần người vi phạm nhận thức rõ hành vi uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Do vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ là lỗi cố ý gián tiếp. Nói cách khác, cần sửa đổi để buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.
Thực tế cho thấy, các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng chỉ giúp giải quyết “phần ngọn”, là giải pháp phù hợp với những thời điểm cụ thể. Vấn đề căn cốt và mang tính lâu dài chính là ý thức tự giác chấp hành của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Mỗi người cần thực hiện tốt phương châm “đã uống rượu bia không lái xe”, “đã lái xe thì không uống rượu bia” vì sự an toàn của bản thân và xã hội./.