Thấy gì qua vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp tại công ty Liên Kết Việt?
(ĐCSVN) - Vụ việc lừa đảo kinh doanh đa cấp tại công ty Liên Kết Việt với hơn 60.000 người là nạn nhân đang làm nóng dư luận xã hội những ngày qua. Để có thêm cái nhìn rõ nét hơn về vụ việc cũng như công tác quản lí kinh doanh đa cấp, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Ảnh: An Luých.
Phóng viên (PV): Báo chí đã từng nhiều lần cảnh báo chiêu trò lừa đảo của những công ty kinh doanh đa cấp bất chính. Theo ông, vì sao hàng chục nghìn người vẫn dính bẫy của công ty Liên Kết Việt?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, người tham gia mạng lưới đa cấp hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế. Nếu tìm hiểu Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ sẽ thấy ngay đối tác của mình có đáp ứng đúng quy định pháp luật không. Thậm chí, những người tham gia vào Liên Kết Việt còn không cần quan tâm đến quy định pháp luật mà chủ yếu qua người nọ vận động người kia. Người vận động được sẽ được lợi nhuận ngay trên phần trăm doanh số của người do mình vận động, nên họ vẽ ra thu nhập rất cao mà không cần nhiều vốn... để đánh trúng lòng tham đối tượng đang khát tiền. Người vận động thường là người thân quen với người được vận động nên tâm lí ban đầu là dễ tin và nghe theo, dẫn đến không độc lập tìm hiểu, kiểm chứng thông tin và cuối cùng là bị sập bẫy lúc nào không hay.
Do tính chất đa cấp nên người này sẽ thành nạn nhân của người kia, người là nạn nhân lại đi dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới. Cứ thế sẽ có hàng vạn người dính bẫy theo.
Về phía công ty kinh doanh đa cấp bất chính đã không từ thủ đoạn nào, chiêu trò nào để lấy cho được lòng tin của mọi người. Họ đã làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ rồi bày ra lễ đón nhận này nọ. Họ nặc danh cả công ty của Bộ Quốc phòng để chiếm đoạt lòng tin của người dân. Đây chính là hành vi lừa đảo trắng trợn.
PV: Theo ông, trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước trong vụ việc công ty Liên Kết Việt như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thế giới làm kinh doanh đa cấp từ lâu, nhiều nước có hàng nghìn công ty đa cấp nhưng họ không để xảy ra tình trạng lừa đảo, theo tôi là do năng lực quản lí của cơ quan chức năng.
Nếu ban hành quy định mà chưa có bộ máy quản lí tương ứng đủ năng lực thì sẽ rất dễ xảy ra những vụ việc tương tự như Liên Kết Việt vừa qua.
Về việc Công ty Liên Kết Việt liên tiếp tổ chức các hội nghị, đại hội để vận động người tham gia, huy động vốn, bán hàng tại các địa phương, chắc chắn cơ quan chức năng địa phương phải biết chứ. Nhưng họ đã không quan tâm kiểm tra, để đến khi sự việc vỡ lở với mức độ nghiêm trọng như hiện tại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới 27 tỉnh, thành với 60.000 người là nạn nhân.
PV: Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có phát hiện dấu hiệu lừa đảo nào của Công ty Liên Kết Việt trước khi nó bị phanh phui như hiện nay?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Kinh doanh đa cấp không phải đối tượng chính của Hội, nhưng đa cấp có bán hàng hóa, người khiếu nại ở góc độ nào đó cũng là người tiêu dùng, nên Hội sẵn sàng giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong vụ việc công ty Liên Kết Việt, Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hải Phòng đã vào cuộc khi nhận đơn thư khiếu nại của hơn 200 người từ hồi tháng 9/2015. Người khiếu nại chính là những người mua hàng, góp tiền vào mạng lưới đa cấp của Liên Kết Việt với số tiền khiếu nại gần 16 tỷ đồng. Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hải Phòng đã mời đại diện Công ty Liên Kết Việt (bà Lê Thị Kim Liên -Trưởng phòng Pháp chế, ông Phạm Văn Tuế - Giám đốc phụ trách kinh doanh vùng) và Sở Công thương TP. Hải Phòng để giải quyết đơn thư khiếu nại của khách hàng. Sự việc chưa giải quyết xong thì Liên Kiết Việt đã bị phanh phui như hiện nay.
Quan điểm của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là khuyến khích các cấp Hội tích cực nắm bắt thông tin để cung cấp tới khách hàng, người tiêu dùng, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của các công ty kinh doanh đa cấp biến chất.
PV: Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa lên tiếng khẳng định, Cục đã từng xử phạt một số nội dung sai phạm của Công ty Liên Kết Việt với số tiền rất lớn. Theo ông, vì sao Cục Quản lí cạnh tranh không sớm công khai những vi phạm này để người dân có ý thức tìm hiểu, cảnh giác trước khi tham gia vào mạng lưới này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nội dung này, theo tôi nên tìm câu trả lời ở phía Cục quản lí cạnh tranh.
Tôi muốn nói rằng, thực tế vừa qua tại công ty Liên Kết Việt chính là cái giá của việc áp dụng chính sách mà không có lộ trình, một mô hình mới (kinh doanh đa cấp - PV) thì phải cần thời gian để rút kinh nghiệm. Trong quản lí, việc ban hành chính sách là cần thiết nhưng quan trọng hơn là giám sát việc thực hiện chính sách. Thế giới có kinh doanh đa cấp, Việt Nam hội nhập cũng có đa cấp, nhưng cần tiếp thu có chọn lọc để Việt Nam hóa mô hình này.
PV: Qua vụ việc lừa đảo tại công ty Liên Kết Việt, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có kế hoạch hoạt động gì nhằm bảo vệ người tiêu dùng và khách hàng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hội sẽ phải bắt nhịp kịp thời cuộc để đón tình hình có thể xảy ra nhằm chủ động cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc khách hàng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật tới người tiêu dùng.
Hội mong rằng cơ quan chức năng rút ra bài học quản lí thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, khi xuất hiện quảng cáo vòng ti tan chữa bệnh, thấy nhiều dấu hiệu khả nghi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường tỉnh Phú Thọ đã cử nhân viên đi mua vòng đó về rồi đưa đi kiểm nghiệm, thấy tỷ lệ titan không đáng kể, không có tác dụng như quảng cáo, lập tức Chi cục đã vào cuộc kịp thời ngăn chặn được nguy cơ lừa đảo bằng hình thức bán vòng titan. Trong vụ Liên Kết Việt, nếu cán bộ nhạy bén thì dân cũng sẽ được nhờ.
PV: Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có lời khuyên nào dành cho người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, người tiêu dùng phải có cái nhìn tỉnh táo, bình tĩnh. Thấy rẻ quá cũng phải tìm hiểu, thấy nó nhiều tiền cũng phải xem xét, thấy quảng cáo lố quá cũng cần cẩn trọng. Các cụ nói, trong kinh doanh "một vốn, bốn lời" đã là lãi ghê gớm lắm rồi, đằng này, công ty Liên Kết Việt, chỉ trong thời gian ngắn đã thu về 1.900 tỷ đồng. Khi nghe thuyết trình, ai cũng thấy mình sẽ sớm đổi đời, thành triệu phú, tỷ phú mà không cần học hành gì nhiều, không cần nhiều vốn. Đó là điều bất thường, cần đặt câu hỏi.
Đặc biệt trong kinh doanh đa cấp ở nước ta hiện nay, mỗi cấp đều chiết khấu phần trăm rất cao, như vậy thì giá sản phẩm phải đội lên cao vô cùng, chứng tỏ giá trị thật của hàng đa cấp là rất thấp. Người dân cần có cái nhìn tỉnh táo mới có thể phát hiện được sự tinh vi của mô hình kinh doanh đa cấp.
PV: Xin cảm ơn ông!