Thấp thỏm nỗi lo biến động giá cả dịp Tết
(ĐCSVN) - Ngay từ trước Tết, cơ quan chức năng đã thường xuyên bám sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Năm nay, do chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nên đi kèm nỗi lo tăng giá còn là những thấp thỏm trước sự sụt giảm sức mua của người tiêu dùng.
Trong lúc các nhà sản xuất và cung ứng đang lên kế hoạch dự trữ hàng hóa thì các hệ thống bán lẻ cũng bước vào “tháng nước rút” bán hàng Tết (Ảnh: M.P) |
Tết Dương lịch 2023 đã cận kề, ngay sau đó là Tết Nguyên đán Quý Mão. Đây thường là dịp xảy ra những biến động bất thường về giá hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Thực tế, tại Hà Nội, về cơ bản, việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đã hoàn tất. Ước tính tổng giá trị hàng hóa Tết đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái.
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị hơn 30.000 tấn hàng hóa, tăng 15 - 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng hóa của doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25 - 43%. Các doanh nghiệp này cũng cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Dự đoán tổng lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã chuẩn bị kỹ, tính toán dự trù nguồn hàng. Một số doanh nghiệp thực phẩm cho biết, họ đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên 2,5 đến 3 lần so cùng kỳ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu, các nhà phân phối cũng dự đoán và chuẩn bị đa dạng thêm các chủng loại thường được tiêu thụ nhiều dịp Tết Nguyên đán.
Trong khi các nhà sản xuất và cung ứng đang lên kế hoạch dự trữ hàng hóa thì các hệ thống bán lẻ cũng bước vào “tháng nước rút” bán hàng Tết. Đơn cử, Saigon Co.op đã triển khai chương trình khuyến mại Tết Nguyên đán Quý Mão từ đầu tháng 12/2022, ước tính, năm nay hệ thống này sẽ tuyển từ 1.000 - 2.000 nhân sự thời vụ để phục vụ những ngày cao điểm. Tương tự, hệ thống siêu thị Mega Market cũng đã lên kế hoạch trưng bày hàng Tết từ ngày 15/12 để người tiêu dùng linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm. Các siêu thị như: Coopmart, Winmart… cũng tung ra nhiều chính sách giảm giá nhiều mặt hàng Tết.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, tác động của các yếu tố tỷ giá, xăng dầu... đang ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của doanh nghiệp ngành thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nỗ lực kìm giá cho đến khi không chịu nổi mới phải điều chỉnh. Hàng hóa Tết đa dạng, sản lượng khá dồi dào, được chăm chút về mẫu mã, bao bì... do đây là mùa kinh doanh lớn nhất trong năm của các doanh nghiệp.
Dự đoán tổng lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã tính toán dự trù nguồn hàng từ các trang trại.
Phó Tổng giám đốc Vissan Phan Văn Dũng cũng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc giá cả các mặt hàng như yếu phẩm, hàng hóa phục vụ Tết tăng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá trong việc tập trung kiểm soát lạm phát thời gian cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BTC nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, suốt 11 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, giá các mặt hàng nguyên vật liệu chiến lược trong đó có giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm đã gây sức ép lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được kết quả tích cực, góp phần cơ bản kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trong năm 2023, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu thiết yếu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường đòi hỏi công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cần tiếp tục chú trọng tăng cường nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; lãnh đạo các ngành: Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Cục Dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời, cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết. Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế. Yêu cầu Cục Quản lý giá có trách nhiệm nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; tham mưu kịp thời cho bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, Cục Quản lý giá có trách nhiệm đầu mối tổ chức triển khai Chỉ thị; chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc bộ có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường; chủ trì triển khai các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá tại một số địa bàn trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Đặc biệt, lưu ý các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn nhất là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất và đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm gồng mình chống chọi, đối phó với dịch bệnh cũng những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đã khiến khả năng tài chính của người dân thêm eo hẹp, sức mua của người dân giảm mạnh. Điều mà nhiều nhà bán lẻ cũng như các siêu thị lo lắng, ngoài những biến động bất thường về giá cả hàng hóa trên thị trường như mọi năm, nay còn thêm cả sức tiêu thụ hàng hóa Tết của người dân cả nước.
Thực tế, cùng với thông tin người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm... do ảnh hưởng kinh tế chung đã khiến sức mua của người tiêu dùng đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm đáng kể. Do đó, các nhà sản xuất và phân phối sẽ phải đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, thậm chí nhiều nhóm hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm đảm bảo kế hoạch tiêu thụ đề ra trước đó để kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, tình hình mua sắm của người tiêu dùng vẫn chưa tăng cao. Sức mua của người tiêu dùng ở thị trường Tết năm nay vẫn là một “ẩn số” khi người lao động chưa biết tình hình lương, thưởng ra sao. Cho nên, dù nguồn cung nhiều sản phẩm phục vụ Tết khá dồi dào, doanh nghiệp đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết, song, điều doanh nghiệp đang thắc thỏm chính là sức mua của người tiêu dùng năm nay.
Nghĩa là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhà quản lý và các doanh nghiệp hiện phải gánh cả nỗi lo những biến động bất thường về giá hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, và cả việc tồn ứ hàng hóa do sức mua của người tiêu dùng suy giảm khi bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Trong bối cảnh này, cần lắm sự chung tay, đồng lòng của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà phân phối, nhà bán lẻ và của cả cộng đồng doanh nghiệp để hướng đến mục tiêu tối thượng chung “cuộc sống, sức khỏe, sinh mệnh của người dân là trên hết, trước hết”, kiên định quan điểm “không ai bị bỏ lại đằng sau” và để nhân dân cả nước được đón một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, đầy đủ, an toàn./.