Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ vướng mắc đầu tư dự án giao thông đường bộ

Thứ Sáu, 27/10/2023 18:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất nhằm đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành...

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về 02 nội dung: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân

Phát biểu thảo luận tại tổ nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

 Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Tổ 19 (Ảnh: PT)

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với điều khoản rất tích cực và tiến bộ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay đã gần 5 năm triển khai tổ chức thực hiện thì thấy "mong muốn, kỳ vọng rất lớn, nhưng thực hiện rất khó khăn, riêng về lĩnh vực giao thông thì càng khó".

“Khi triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam thì chia ra rất nhiều dự án thành phần, cũng rất mong có được nhiều nhà đầu tư tham gia cả theo hình thức BOT hoặc PPP nhưng quả thật là khó. Có những dự án trước đây được xác định theo hình thức PPP hoặc BOT nhưng cuối cùng quay lại là vốn ngân sách nhà nước” – đại biểu ví dụ.

Phân tích nguyên nhân, theo đại biểu một phần là do các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Chính vì vậy, đại biểu ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm như Chính phủ trình.

“Chúng tôi thấy là có cơ sở và đồng tình, hy vọng tăng lên 70% thì hấp dẫn hơn với nhà đầu tư” - đại biểu bày tỏ.

Đại biểu cũng ủng hộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. 

Theo đại biểu, bởi chính sách này sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Chính sách này sẽ tháo gỡ "nút thắt" mà lâu nay cứ loay hoay là địa phương muốn tham gia làm quốc lộ, cao tốc mà chưa có cơ sở để làm.

Tuy nhiên, để việc ra Nghị quyết có cơ sở thực tiễn chắc chắn hơn, đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội kết quả, hạn chế sau gần 5 năm thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Cũng góp ý về đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đường quốc lộ, đường cao tốc, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn Phú Thọ) đề nghị những dự án này trước hết cần phải được UBND các địa phương đề xuất. Đồng thời phải được HĐND tỉnh quyết định tham gia làm chủ quan dự án và cam kết bố trí vốn từ ngân sách địa phương. Cùng với đó, phải xem trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải. 

“Nếu chỉ đẩy hết cho các địa phương trong việc làm chủ dự án và thực hiện thì chưa đảm bảo, cần phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải để đảm bảo việc triển khai dự án đường quốc lộ, cao tốc đồng bộ, thống nhất” - đại biểu nêu quan điểm.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án

 Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19 (Ảnh: PT)

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Đoàn Bình Dương) cũng bày tỏ nhất trí với những nội dung đề xuất của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Dành cho biết, trong 5 nhóm chính sách đặc thù được Chính phủ đề xuất thì Bình Dương được hưởng chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022. Cụ thể, thực hiện cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành thì Bình Dương được bổ sung vốn tăng thu NSTW 2022 là  4.000 tỷ. 

“Đây là một cơ sở pháp lý hết sức quan trọng cho những địa phương có sự liên kết vùng rất lớn. Tôi cho rằng sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn trong các quy định pháp luật, đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác thi công cũng như thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là liên kết vùng” - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, không chỉ có đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh qua đoạn Chơn Thành mà tỉnh Bình Dương còn nhiều tuyến đường tương tự. Do đó, đại biểu đề nghị qua lần thí điểm này cần phải nhân rộng mô hình để cho các địa phương chủ động trong công tác khơi thông nguồn lực tại địa phương mình, tạo không gian mới, động lực mới cho khu vực cũng như sự liên kết trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, Đại hội XI của Đảng đã đề ra 3 đột phá chiến lược đó là: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, hạ tầng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại mà tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Nhấn mạnh hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội đáp ứng được tinh thần trên, đại biểu bày tỏ hoàn toàn ủng hộ nội dung các dự thảo nghị quyết của Chính phủ trình và báo cáo của Ủy ban thẩm tra.

Phân tích thêm về việc vì sao phải áp dụng cơ chế đặc thù, đại biểu cho rằng là do chúng ta muốn bỏ qua nhiều thủ tục, muốn nhanh hơn, hiệu quả hơn trong thực thi. Do đó, đại biểu đề nghị rà lại các điều khoản để bỏ những từ “thủ tục” và “thực hiện theo pháp luật hiện hành”.

“Chúng ta đang áp dụng thí điểm, vậy có gì khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nếu chúng ta cứ ghi theo thủ tục hoặc theo các pháp luật khác có liên quan thì rất khó khăn” – đại biểu lí giải./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN