Tháo gỡ cơ chế tài chính thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, còn nhiều khó khăn, bất cập trong cơ chế tài chính thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng như các cơ chế chi tiêu của các quỹ khoa học công nghệ. Bộ KH&CN sẽ tiếp thu các ý kiến và cùng Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ.
Chiều 7/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.Việc triển khai Đề án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) cho rằng, việc triển khai Đề án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc…Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này?
Đại biểu Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP. Hải Phòng). Ảnh: QH |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho hay, Đề án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành năm 2009. Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương triển khai, xây dựng 20 tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, hoàn thành việc đầu tư cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc. Các bộ, ngành: Nông nghiệp, Y tế, Công thương đã triển khai đề án, tập trung vào phổ biến nội dung hoạt động truy xuất nguồn gốc trong ngành, xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc theo thẩm quyền.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc đưa Cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc vào hoạt động, Bộ hiện đang tập trung để trong những tháng tới được hoàn thành, đưa Cổng truy xuất nguồn gốc này vào hoạt động.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nêu rõ, Bộ đã xây dựng Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, quy định ghi nhãn một số nội dung bắt buộc bằng phương thức điện tử để hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành Thông tư về cơ chế tài chính để triển khai đề án này, vận hành chính thức Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, việc hình thành các Quỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ là nhằm mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho hoạt động khoa học công nghệ. Tuy nhiên thời gian qua, các Quỹ này vẫn chủ yếu hoạt động hoàn toàn từ nguồn ngân sách nhà nước. Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay các quy định về trích, lập, sử dụng các Quỹ này còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần đánh giá và làm rõ vấn đề này để có hướng giải pháp thực thi tốt hơn trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, còn nhiều khó khăn, bất cập trong cơ chế tài chính thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng như các cơ chế chi tiêu của các quỹ khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu các ý kiến và cùng Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ.
Chưa thống kê được số liệu chi đầu tư phát triển KH&CN tại địa phương
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về các vấn đề như: Chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại địa phương; về phát triển thị trường khoa học công nghệ; về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ…
Trả lời chất vấn đại biểu về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện không xác định được con số chính xác. Vì vậy, cần thiết sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.
Về phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện vẫn thiếu các tổ chức trung gian để kết nối bên cung và bên cầu về công nghệ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách nên chưa khuyến khích việc chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp; tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu.
Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.
Đối với việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, theo Bộ trưởng, đây là một mô hình mới, cần thời gian xem xét, đánh giá hiệu quả của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sau đó mới tiếp tục nhân rộng thành lập các địa phương khác./.