Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ các nút thắt pháp lý, thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp hiệu quả

Thứ Tư, 21/12/2022 16:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 20/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022, do Bộ Tư pháp tổ chức. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) không chỉ bởi đây là lần đầu tiên được tổ chức mà còn bởi được thực hiện đúng thời điểm khi đất nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đây là diễn đàn hết sức quan trọng để lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó giúp "nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”.

Gần 3 năm qua, trong bối cảnh ảnh hưởng môi trường quốc tế bất ổn và đại dịch COVID-19 với nhiều thách thức to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đời sống - kinh tế, nhất là trong việc duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động; tiếp cận nguồn vốn vay khó…

Chính vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn về pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

 Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022. Ảnh: TH.

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Riêng trong năm 2022, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan và đã kiến nghị, đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6000 văn bản cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội khác.

Tuy nhiên, mặt khác cũng cho thấy doanh nghiệp vẫn phải đối diện với rất nhiều sự chồng chéo trong văn bản, hàng nghìn “ ma trận” pháp luật cần phải rà soát, sửa đổi. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người dân còn hạn chế.

Tại diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việc xây dựng được văn bản cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, thống nhất, chất lượng của văn bản pháp lý có ý nghĩa quyết định trong việc tạo hành lang pháp lý, tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập đến việc rủi ro về mặt pháp lý có thể làm sụp đổ một doanh nghiệp, thậm chí cả một ngành hàng. Do đó, cần minh bạch quá trình thảo luận xây dựng văn bản pháp luật để doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng biết sắp tới có thể có xu hướng này, từ đó điều chỉnh, thích nghi.

Có thể thấy, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp rất lớn; yêu cầu về chất lượng, nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý ngày càng cao hơn.

 Cần có các phương án kịp thời hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp thực chất, hiệu quả.
Ảnh: TBNH.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó có yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định “hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh”.

Do đó, việc cải cách, hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; tăng cường khả năng phòng vệ của các doanh nghiệp; góp phần bảo vệ lợi ích cao nhất của đất nước và doanh nghiệp, người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua Diễn đàn này và các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần thực sự lắng nghe ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, khẩn trương nghiên cứu để có phương án kịp thời hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp  thực chất, hiệu quả; chủ động nhận diện, cảnh báo về những khó khăn, vướng mắc pháp lý để giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ pháp lý, nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình" để phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động; đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp củng cố niềm tin, hiểu rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của mình trong quá trình đóng góp, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN