Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Thanh kiếm" công nghệ cao

Thứ Sáu, 19/02/2021 16:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhiều bạn đọc ủng hộ mức phạt từ 50 - 80 triệu đồng với người, tổ chức tiết lộ, chia sẻ trái phép các dữ liệu cá nhân chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ.

Trong dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an vừa đề xuất xin ý kiến các bộ, ban, ngành trong hai tháng, có đề xuất mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Dự thảo nêu rõ, dữ liệu cá nhân gồm dữ liệu cơ bản (họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh Nhân dân, căn cước; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân...), và dữ liệu nhạy cảm (quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, dữ liệu về di truyền, tình trạng giới tính,...).

Thẩm quyền xử phạt hành chính với các hành vi trên là Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an.

Trong các trường hợp vì lợi ích, an ninh quốc gia, công bố trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng..., bên thứ ba (tổ chức doanh nghiệp, bên xử lý dữ liệu, cơ quan chức năng có thẩm quyền) có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: https://ictvietnam.vn/)

Theo Bộ Công an, hiện nay tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng, ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các vi phạm pháp luật…, do đó, dự thảo Nghị định được xây dựng từ yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.

Có thể khẳng định, dữ liệu cá nhân là tài sản riêng, không ai được sử dụng trái phép. Ở xã hội hiện nay, trong quá trình kê khai, điền thông tin cá nhân đáp ứng các yêu cầu về quản lý hành chính, giao dịch…, bản thân người đó cũng ý thức được và thực sự không mong muốn các dữ liệu của mình bị chia sẻ cẩu thả, tạo điều kiện cho các đối tượng rao bán trắng trợn, làm phiền, phá hoại hạnh phúc gia đình, thậm chí tống tiền…

Ngay khi thông tin này được báo chí đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến ủng hộ Chính phủ, Bộ Công an phải phạt tiền thật nặng, thậm chí xem xét xử lý hình sự, vì một xã hội thông minh và văn minh.

Bạn đọc Minh Giang (36 tuổi, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi đã quá bức xúc vì chuyện này. Rất mong Nghị định sớm đi vào cuộc sống. Sáng ra ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, đầu giờ chiều đã nhận được các tin nhắn và cuộc gọi mời chào mua bán bất động sản, bảo hiểm… Phiền toái vô cùng”.

“Vừa mua vé máy bay xong đã có loạt tin nhắn mời chào dịch vụ đưa tiễn sân bay. Quá bực mình. Cảm giác như mình bị theo dõi vậy. Đại lý vé, hãng hàng không, hay là ai? Hy vọng mức phạt cao sẽ bớt những chuyện mua bán dữ liệu khách hàng”, anh Kim Cường, 42 tuổi, quê Bắc Ninh, đang kinh doanh ngành thép xây dựng tại thành phố Đà Nẵng thể hiện bức xúc.

Trong khi đó, độc giả Thu Loan (39 tuổi, cán bộ công an tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ: “Theo tôi, thẩm quyền xử phạt hành chính với các hành vi trên là Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là đúng nhưng chưa đủ, nên bổ sung thêm Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để việc nắm bắt, kiểm soát, xử lý tối đa nạn ăn cắp dữ liệu chủ động, hiệu quả hơn. Hy vọng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi đầu”. 

Từ trường THPT Hoàng Hoa Thám, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), anh Nguyễn Đình Quân - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, cũng như các đồng nghiệp khác, số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử của mình được đăng công khai trên trang web. “Công việc bận rộn mà thời gian gần đây thường xuyên bị làm phiền với các cuộc gọi tư vấn sức khỏe, mời học ngoại ngữ…” - anh Quân chia sẻ.

Mọi văn bản quy phạm pháp luật đều xuất phát từ thực tiễn, phục vụ thực tiễn và thay đổi theo thực tiễn khách quan. Do đó, nếu Nghị định được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng mong đợi của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong bối cảnh xã hội thời đại 4.0.

Sự sắc bén của “thanh kiếm công nghệ cao” này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm sớm bị lộ sáng./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN