Thanh Hoá: Chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hoá. Thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo trong thanh niên dân tộc thiểu số được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những động lực mới cho vùng khó khăn của tỉnh vươn lên.
Xuất sắc vượt qua 139 ý tưởng đăng ký tham gia theo 10 lĩnh vực, ngành nghề, “Trà Quýt Hoi - sản phẩm từ sườn núi Pù Luông” đã giành giải Nhất tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hoá lần thứ X” năm 2022.
Ý tưởng khởi nghiệp này của nhóm tác giả Đào Ngọc Bình và hai cô gái dân tộc Mường là Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung ở Thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước.
Ở Bá Thước, Quýt Hoi là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, trên các sườn núi cao của các xã Thành Lâm, Thành Sơn. Loại quả này ít khi được người dân ăn vì có vị chua. Một lượng rất nhỏ vỏ quýt được bà con phơi khô, hãm nước uống theo cách truyền thống để phòng cảm lạnh, ho hen vào mùa đông.
Tiếc một thứ quà sạch của tự nhiên có công dụng tốt cho sức khoẻ nhưng vứt bỏ đầy núi rừng, nhóm tác giả quyết định thành lập Công ty TNHH Puluong Cuisine (Tinh hoa ẩm thực Pù Luông) để thu mua, sản xuất Quýt Hoi thành những sản phẩm độc đáo như trà, siro, nước tẩy rửa…
Chế biến Quýt Hoi tại Công ty TNHH Puluong Cuisine (Tinh hoa ẩm thực Pù Luông) góp phần phát triển sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số |
Mong muốn của các tác giả là tạo ra một mô hình khởi nghiệp cho bản thân nhưng đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực, gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh quê hương Bá Thước với du khách trong và ngoài nước; đồng thời phát triển sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây bằng chính sản phẩm đặc trưng của quê hương mình.
Trong quy trình sản xuất, vỏ quýt được phơi héo, cắt nhỏ rồi sấy khô để làm thành thứ trà giải nhiệt có tác dụng hỗ trợ tiêu viêm, tăng sức đề kháng. Múi quýt được chế biến thành siro để bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng và hỗ trợ trị ho, cảm cúm. Bã quýt và những quả không đạt tiêu chuẩn được chế biến thành các sản phẩm tẩy rửa hoàn toàn từ thiên nhiên, không độc hại.
Mô hình khởi nghiệp này đang duy trì từ 10 - 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ chỗ bỏ hoang, những rừng Quýt hoi có sản lượng 6 tấn/ha có thể mang lại thu nhập cho người dân 6, 7 chục triệu đồng/năm. Sản lượng càng cao thu nhập của đồng bào càng lớn.
Chị Phạm Thị Thanh Nhàn, sinh viên Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức chọn phát triển rượu chuối men lá Mường Páng làm ý tưởng khởi nghiệp. Ý tưởng này của Nhàn đoạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hoá lần thứ XI” năm 2022.
Nhàn chia sẻ, tuổi thơ của em gắn với hình ảnh về những vườn chuối vàng ươm, trĩu quả, thơm ngon nhưng giá trị bà con thu được cũng chỉ được 30 - 40 nghìn đồng một buồng. Trong khi đó, người Thái quê cô đã biết ủ rượu chuối bằng men lá từ xa xưa.
Trên nền tri thức bản địa của dân tộc Thái, loại rượu chuối men lá của Nhàn được chưng cất từ những quả chuối ngự (bởi loại chuối này khi chín có vị ngọt, thơm, không bị nẫu) được ủ cùng hỗn hợp củ, lá, hoa giềng xay nhuyễn, bột gạo nếp, bột sắn khô cho lên men.
Nhàn cho biết, hiện nay, sản phẩm rượu chuối men lá chiếm vị thế độc quyền trên thị trường tỉnh Thanh Hoá và đã được chứng nhận OCOP 3 sao; tiêu thụ thuận lợi tại các nhà hàng ăn uống trên lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn và đang hướng tới ký gửi rộng rãi tại các nhà hàng ở các khu du lịch trong tỉnh.
Nhàn chia sẻ, đến với cuộc thi, cô mong muốn quảng bá để nhiều người biết đến thứ đồ uống an toàn, mang đậm tri thức văn hoá lâu đời của người Thái. Từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của bản thân, đồng thời tạo việc làm, thu nhập giúp đồng bào dân tộc địa phương thoát nghèo.
Các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” đã thu hút ngày càng nhiều ý tưởng của thanh niên miền núi. Qua 10 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được 2.000 ý tưởng, trong đó có nhiều ý tưởng của thanh niên dân tộc thiểu số. Nhiều ý tưởng của thanh niên dân tộc thiểu số đã xuất sắc đạt giải cao.
Chị Phạm Thị Thanh Nhàn đoạt giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hoá lần thứ XI năm 2022 với ý tưởng phát triển rượu chuối men lá Mường Páng của dân tộc Thái |
Những mô hình khởi nghiệp của các thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng, của thanh niên tỉnh Thanh Hoá nói chung là sự khởi đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời lan toả rộng rãi tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên - chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hoá nói.
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có trên 1.300 mô hình kinh tế do thanh niên dân tộc thiểu số làm chủ, chiếm hơn 17% mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ.
Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết, do đặc điểm địa hình, khí hậu ở các xã khác nhau, nên Huyện đoàn đã tăng cường hoạt động định hướng để xây dựng các mô hình phù hợp. Chẳng hạn xã Quang Chiểu có nhiều diện tích ruộng thì hình thành mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi, xã Pù Nhi nhiều đồi núi thì xây dựng mô hình chăn nuôi...
Với sự định hướng, giúp đỡ của tổ chức Đoàn và tinh thần sáng tạo, chủ động vươn lên của thanh niên, tại Mường Lát đã có 21 mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Tuy các mô hình ở quy mô nhỏ và vừa, nhưng đã giúp thanh niên có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi sự kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung (hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung); hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ (hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước)...
Đồng hành cùng với thanh niên lập thân, lập nghiệp, hiện nay, Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng có các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: Quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn... Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề xuất tăng thêm 10 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho thanh niên Thanh Hóa, nâng tổng nguốn vốn do Tỉnh Đoàn quản lý đạt 50 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Hành - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Đời sống đồng bào còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chưa thực sự có nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhất là trong đoàn viên, thanh niên; thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế…
Nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng Kế hoạch số 182 của UBND tỉnh, tới đây, Ban Dân tộc sẽ tổ chức Diễn đàn “Thanh niên giao lưu, kết nối, chia sẻ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, đồng thời triển lãm các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Truyền thông, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông qua các hoạt động đó nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi. Thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; kích thích sáng tạo, tư duy năng động, truyền cảm hứng kinh doanh, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đoàn viên, thanh niên; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh trong thời gian tới./.