Thận trọng trước thông tin lan đột biến “tăng giá trở lại”
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội lan truyền những thông tin, hình ảnh về các giao dịch liên quan đến lan đột biến với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người có kinh nghiệm chơi hoa lan cho rằng, người dân cần thận trọng trước việc lan đột biến “tăng giá trở lại” để tránh những thiệt hại không đáng có về tài chính.
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 2, nhiều tài khoản mạng xã hội liên tục rao bán lan đột biến. Nhiều người bắt tay giao dịch và đăng trên mạng xã hội với giá từ vài chục triệu đồng/cm cho cây 5 cánh trắng Bảo Duy, Tuyết Đỉnh Hồng... Các hội, nhóm chơi lan cũng liên tục đưa thông tin về việc mua bán, trao đổi lan đột biến với các clip giao dịch chậu lan Tuyết Đỉnh Hồng với giá cả trăm triệu đồng/cây vài cm; hoặc clip vài chục nhà vườn tập trung để mua cây... Đặc biệt, một số tài khoản còn rao bán 1 chậu 5 cánh trắng Kinh Bắc giá 350 triệu đồng; 1 chậu Hồng phù hoa giá gần 130 triệu đồng; 1 cây hoa giống Hồng hải đăng với giá gần 100 triệu đồng…
Một chậu lan đột biến được rao bán với giá gần 130 triệu đồng. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, nhiều người có kinh nghiệm chơi hoa lan cho rằng, cần xem xét tính xác thực của các thông tin trên vì rất có thể đó là cách các nhà vườn lớn bắt tay nâng giá lan đột biến nhằm trục lợi từ nhà đầu tư như đã từng diễn ra trong những năm trước đây.
Cụ thể, anh Bùi Văn Hoàng, một người chơi lan đột biến ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Trước Tết vừa rồi, tôi mua một chậu lan 5 cánh trắng Bảo Duy đẹp với giá hơn 1 triệu đồng. Khó hiểu là cùng loại này nhưng một số người đã đăng lên mạng xã hội và đẩy giá, rao bán theo centimet. Theo tôi, có thể họ muốn tranh thủ dịp Tết, mua qua, bán lại nhằm tạo giá ảo và kích thích lòng tham của người chơi, nhà đầu tư”.
Cũng theo anh Hoàng, lan đột biến hiện nay bán với giá tiền triệu đã là khó, còn giá lên tới vài triệu, vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng là gần như “không tưởng” vì giá lan đột biến đã trở về với giá trị thực, không còn “sốt” như vài năm trước đây.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Lê Văn Đức, chủ một vườn lan ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), cũng phủ nhận thông tin lan đột biến sốt giá lên tới hàng trăm triệu đồng và cho rằng đây chỉ là cách “làm giá" của một vài cá nhân. “Không chỉ đăng tin mua bán lan đột biến, có người còn đăng cả hình ảnh, thông tin chuyển tiền. Tôi nghi ngờ tính xác thực của những giao dịch này vì thời điểm này, dù có yêu hoa lan đến mấy thì một người tỉnh táo cũng không thể bỏ ra vài chục triệu để mua một chậu lan đột biến”, anh Đức nhấn mạnh.
Người chơi lan đột biến vẫn chưa quên thời điểm những năm 2019, 2020, khi giá lan đột biến “đạt đỉnh”. Thời điểm đó, nhiều loại lan đã gây “sốt” với mức giá lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chỉ cả tỷ đồng/cm như: Đại cát, Không tên, Long khánh, Kinh bắc, Đôi mắt pleiku, Ngọc sơn cước, Cờ đỏ, Tuyết đỉnh hồng... Tuy nhiên, đến năm 2022, giá lan đột biến không còn “sốt”, sau đó những giao dịch liên quan đến lan đột biến gần như không được nhắc đến trên thị trường. Do bị cuốn vào cơn “sốt” nói trên nên nhiều người bán nhà, bán đất đầu tư lan thì đã rơi vào ảnh trắng tay vì lan đột biến.
Người dân cần cảnh giác trước thông tin lan đột biến “tăng giá trở lại”. (Ảnh chụp màn hình) |
Thực tế, trên một số hội nhóm facebook chuyên giới thiệu, buôn bán lan đột biến, nhiều nhà vườn tại Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ… rao bán lan đột biến 5 cánh trắng Bạch tuyết, Tuyết đỉnh hồng, Sơn cước,… với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kie. Tuy nhiên, số lượng tương tác, giao dịch cũng rất ít. Do vậy, nhiều người chơi lan cho rằng, thông tin giá lan đột biến tăng cao chỉ nhằm mục đích "thổi giá", còn thực tế thì rất khó để có các giao dịch lan đột biến với giá hàng chục hay hàng trăm triệu đồng.
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia nông nghiệp cũng lưu ý người chơi lan, với công nghệ nhân giống trong ống nghiệm hiện đại như hiện nay, từ 1 cây lan đột biến hoàn toàn có thể nhân giống ra hàng nghìn, hàng vạn cây con và vẫn giữ nguyên đặc tính, màu sắc của cây mẹ.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng, sức hút của lan đột biến không phải ở mức độ quý hiếm mà là ở yếu tố lạ. Bởi từ 1 kie lan đột biến, nếu dùng phương pháp nhân giống In Vitro (nhân giống trong ống nghiệm), sẽ cho ra hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cây lan giống chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp để có doanh số lớn.
Liên quan đến việc một số trang mạng xã hội lan truyền những thông tin, hình ảnh về các giao dịch liên quan đến lan đột biến với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những thông tin nói trên. Bởi rất có thể đó chỉ là cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” của một số cá nhân nhằm mục đích kích thích người dân tiếp tục đầu tư vào lan đột biến. Thực tế, những năm trước đây đã có rất nhiều người “ôm nợ” vì trót đầu tư theo những thông tin tương tự như trên. Người dân cần thận trọng trước khi quyết định tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh những thiệt hại về tài chính trong quá trình đầu tư./.