Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tham nhũng vặt như vòi bạch tuộc, bám chặt gây bức xúc lớn cho Nhân dân

Thứ Ba, 08/11/2022 18:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), tình trạng "tham nhũng vặt" với vòi bạch tuộc vừa đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, cho doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, gây xói mòn lòng tin của Nhân dân với đội ngũ cán bộ được coi là công bộc của dân…

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

"Tham nhũng vặt" rất đa dạng và ngày càng tinh vi

Đề cập đến nạn "tham nhũng vặt", đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) chỉ ra, hình thức của "tham nhũng vặt" rất đa dạng và ngày càng tinh vi, có thể đó là gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt và thậm chí là hù dọa. 

Đáng sợ hơn, theo đại biểu việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám, chữa bệnh, làm các thủ tục về hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị các kỳ thi âm nhạc, nghệ thuật, v.v.. 

“Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, họ tranh thủ cả sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công dân, họ tận dụng tối đa vị trí công tác của họ đang nắm giữ để đòi hỏi "lót tay", để yêu cầu "bôi trơn", đại biểu chia sẻ.

 ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội). Ảnh: TL

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, tình trạng "tham nhũng vặt" với vòi bạch tuộc vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, cho doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, thậm chí bị đổ vỡ, lgây xói mòn lòng tin của Nhân dân với đội ngũ cán bộ được coi là công bộc của dân. 

Qua báo cáo của các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, v.v. đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á. Tuy vậy, đại biểu cho rằng hoạt động phòng, chống tham nhũng vặt lại chưa được quan tâm nhiều. 

Dẫn số liệu cho thấy năm 2022 đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, theo đại biểu con số này còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra. 

Đại biểu nhấn mạnh, việc phòng, chống "tham nhũng vặt" chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của Nhân dân và của quần chúng.

Do đó, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho Nhân dân, để nhân dân hiểu được pháp luật mà tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. 

“Chỉ khi Nhân dân vào cuộc nói ra, phát hiện ra thì mới thấy được nhiều, thì phòng, chống tham nhũng vặt mới hiệu quả”, đại biểu lưu ý.

Bên cạnh đó, theo đại biểu phải phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân các cấp và kể cả Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. 

“Chính phủ, các ban ngành, các tổ chức, các cơ quan cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát lại thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn cho được tham nhũng vặt”, đại biểu đề xuất.

Chú trọng công tác phòng để không cho tham nhũng

ĐBQH Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho hay, thời gian gần đây Nhân dân rất phấn khởi về kết quả của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhưng đại biểu cho rằng dường như chúng ta thấy cái được là mới thể hiện khâu chống, tức là đã đưa ra được nhiều vụ án lớn, xét xử kịp thời; đưa ra những đối tượng phạm tội ở vị trí có chức vụ cao, nghĩa là mới tập trung vào việc chống tham nhũng. 

“Từ các vụ đấu tranh chống tham những, các cơ quan tư pháp cần tiếp tục kiến nghị và chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để làm sao chúng ta làm phòng ngừa với tinh thần là không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Chống chúng ta đang làm tốt rồi, đang cố gắng làm tốt hơn trước, nhưng phòng để không cho tham nhũng”, đại biểu kiến nghị.

Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) phòng, chống tham nhũng là vấn đề nóng nhưng cũng khá nhạy cảm, hầu như tất cả các nước đều phải chấp nhận tham nhũng như một phần tất yếu trong quá trình phát triển, chỉ có điều là phải nỗ lực phấn đấu để đạt được trong tương lai và phải có lộ trình. 

Theo đại biểu, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của những nước phát triển. Trong đó, cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác, việc phòng là quan trọng, chúng ta làm tốt thì đó là bảo vệ cán bộ. 

“Khi cán bộ, công chức thực thi trong đấy, người ta biết lằn ranh tới đâu được làm, tới đâu không được làm. Việt Nam chúng ta, có một vài cơ quan có thể ban hành nhưng chưa thành một phong trào trên toàn xã hội, tất cả các doanh nghiệp, tất cả cơ quan công quyền, các tổ chức”, đại biểu chỉ rõ.

Cùng với đó, theo đại biểu phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức mới đủ thu hút được cán bộ, công chức đam mê, cống hiến và có trách nhiệm với công vụ của mình.

Cuối cùng đại biểu cho rằng phải kiên trì nâng cao nhận thức, bởi vì, công cuộc chống tham nhũng không phải là một bộ phận này hay một bộ phận kia, nhóm cộng đồng này, nhóm dân cư kia mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng. 

“Chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì lúc đấy công tác tham nhũng mới được thuyên giảm”, đại biểu nói./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN