Thái Nguyên huy động toàn bộ nhân lực xử lý ngay các tình huống cấp bách nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
(ĐCSVN) - Triển khai ngay các biện pháp, tập trung phòng, chống và giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét trên các sườn, đồi núi tại các địa phương, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực có nguy cơ cao sạt lở và lũ quét do thiên tai - đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp khẩn ngay trong đêm 8/9 với các sở, ngành, địa phương để triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt nhằm kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Công ty Điện lực Thái Nguyên; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ; lãnh đạo Lữ đoàn Phòng không 210 - Quân khu 1.
Theo báo cáo nhanh của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mực nước trên sông Cầu đang lên nhanh, cường độ mạnh và diễn biến khó lường Tại trạm thủy văn Gia Bẩy (TP. Thái Nguyên) mực nước đo được lúc 21 giờ tối 8/9 là 2.700 cm, ở mức báo động 3 (mức rất nguy hiểm). Dự báo, đỉnh lũ có khả năng lên mức 2.800 cm (cao hơn 100 cm so với báo động cấp 3) vào đêm 8 và sáng sớm 9/9. Tại Trạm thủy văn Chã (TP. Phổ Yên) mực nước sông Cầu lúc 19 giờ tối 8/9 là 575 cm, thấp hơn 225 cm so với báo động cấp 1 và tiếp tục có xu thế tăng. Dự báo, đỉnh lũ có khả năng đạt mức báo động cấp 3 (trên 1.000 cm) vào đêm 8, rạng sáng 9/9. Đến 21 giờ đêm 8/9, mực nước sông Cầu lên cao có nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân sinh sống ở 2 bên bờ sông. Trước tình trạng trên, ngay trong đêm 8 và rạng sáng 9/9, TP. Phổ Yên đã phối hợp với các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn tiến hành di dời khẩn cấp hơn 400 hộ dân tại xóm Cốc, xã Tân Phú ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập úng đến nơi an toàn. Đồng thời, triển khai các biện pháp cấp bách nhằm kịp thời ứng phó với tình trạng nước lũ sông Cầu đang tiếp tục dâng cao; cùng với đó, thành phố đã tập trung rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Đại tá Trần Ngọc Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp
Đối với TP. Thái Nguyên, cùng với việc khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sơ tán và vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Lãnh đạo UBND Thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra tại địa bàn trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, các vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở đất cao; các khu vực bị ngập để kip thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Ngay trong đêm 8/9, thành phố đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cùng dân quân địa phương tiến hành gia cố các tuyến đê để ngăn không cho nước sông Cầu chảy ngược vào phía trong đê… Cùng với đõ, lãnh đạo thành phố Thái Nguyên cử các lực lượng liên tục đi thị sát thực tế để kiểm tra, đánh giá mức độ tích nước của các hồ chứa; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đập; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý các sự cố phát sinh.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị xác định rõ nguyên tắc "tính mạng con người là trên hết" trong lãnh đạo chỉ đạo các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ và ngập lụt, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở các phương án đã chuẩn bị từ trước, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trên tinh thần chủ động, không được chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh và các địa phương tiếp tục thực hiện trực 24/24 giờ để cập nhật, theo dõi chặt chẽ ngay diễn biến tình hình thời tiết, sự cố, thiên tai, sạt lở trên địa bàn; chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở theo chức năng nhiệm vụ được giao; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo, điều phối và phối hợp triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn bảo đảm kịp thời, hiệu quả (khi có tình huống sự cố xảy ra); rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, tránh tâm lý chủ quan. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, công an tỉnh chỉ đạo lực lượng quân đội, công an các cấp triển khai kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hỗ trợ sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt, sạt lở; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh kiểm tra và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ gia cố đê điều tại các điểm xung yếu của TP. Thái Nguyên.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân quân ngay trong đêm 8 và rạng sáng 9/9, tiến hành gia cố đê sông Cầu (Ảnh chụp lúc 1h05ph 9/9).
Ngay sau cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã đi kiểm tra và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ gia cố đê điều tại các điểm xung yếu của TP. Thái Nguyên.