Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo Lâm: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để công tác chuyển đổi số chuyển biến tích cực, thực chất

Thứ Ba, 19/11/2024 16:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, chính quyền huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bắng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trên phạm vi toàn huyện, tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững của huyện.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh đánh giá, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các cơ quan, ban ngành đã có nhiều nỗ lực thực hiện nội dung chuyển đổi số. Trong tháng 10/2024 UBND huyện ban hành 15 văn bản, trong đó có 1 kế hoạch, 2 quyết định 12 văn bản hành chính để tập trung chỉ đạo các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyển đổi số trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Việc thực hiện chuyển đổi số cũng đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Đồng chí Mã Gia Hãnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số của huyện phát biểu tại Lễ phát động Hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2024.

Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, với quan điểm chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu và động lực của chuyển đổi số là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác chuyển đổi số phải được triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên, kiên trì, không dàn trải và phải hiệu quả.

Thực tế với địa bàn có nhiều khó khăn, Bảo Lâm phải lựa chọn hình thức đầu tư hạ tầng số phù hợp với điều kiện và phát huy hiệu quả. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số phải theo nguyên tắc có bước đi vững chắc và gắn với đổi mới sáng tạo; phù hợp với thực tiễn trong từng năm, từng giai đoạn và từng ngành, địa phương. Chuyển đổi số phải gắn với cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Trong rất nhiều văn bản của UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã nêu rất rõ trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số thuộc trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi số để từ đó lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp.  

Công tác chuyển đổi số phải được triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên, kiên trì, không dàn trải và phải hiệu quả

Với mục tiêu xây dựng Chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn huyện, trong tháng các cấp lãnh đạo đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính quyền số đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Về chính quyền số, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nội bộ các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đặc biệt là phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thư điện tử công vụ. Hạ tầng CNTT được quan tâm đầu tư từ huyện đến xã, từng bước đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. 100% xã, thị trấn có hệ thống phòng họp trực tuyến; 100% lãnh đạo cấp ủy từ cấp xã đến cấp huyện, 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành; 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản đi trên hệ thống cả đi và đến đều đạt 100% văn bản điện tử; tỷ lệ ký số cá nhân, ký số cơ quan đạt trên 100% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.

Về phát triển kinh tế số và hạ tầng số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% địa bàn xã và trên 70% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Trên 45% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt trên 60%.

 UBND xã Thái Sơn (huyện Bảo Lâm) phối hợp với VNPT Bảo Lâm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Bảo Lâm tổ chức hội nghị tập huẩn chuyển đổi số.

Đặc biệt, về nhận thức số thì chuyển đổi nhận thức đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi nhận thức cùng với kiến tạo thể chế phải đi trước một bước để dẫn dắt các nhiệm vụ còn lại. Trong năm qua, cùng với công cuộc chuyển đổi số Quốc gia, của tỉnh, huyện Bảo Lâm đã thể hiện ở sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND; đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là tiêu chí quan trọng trong đó.

Về phát triển hạ tầng số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có mạng LAN và kết nối cáp quang. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu công việc. Cấp xã 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, có kết nối internet tốc độ cao; huyện trang bị 02 phòng trực tuyến, cấp xã 13/13 có phòng họp trực tuyến kết nối họp trực tuyến với huyện, tỉnh và Trung ương; 100% lãnh đạo các đơn vị có chữ ký số và sử dụng thường xuyên. 

Hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư xây dựng. Các trạm BTS được phủ sóng đến 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp  đều được kết nối sử dụng internet phục vụ hoạt động. 100% cán bộ, công chức có máy tính. Các ứng dụng phần mềm dùng chung của tỉnh được triển khai đồng bộ và đi vào hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Trên địa bàn huyện, hiện nay có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ Viễn thông Internet cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng gồm VNPT, Viettel. Toàn huyện có 83 trạm phát sóng mạng thông tin di động, trong đó VNPT có 39 trạm; Viettel có 44 trạm. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có mạng LAN và kết nối cáp quang. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu công việc, cấp xã 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, có kết nối internet tốc độ cao; huyện trang bị 02 phòng trực tuyến, cấp xã 13/13 có phòng họp trực tuyến kết nối họp trực tuyến với huyện tỉnh và Trung ương; 100% lãnh đạo các đơn vị có chữ ký số và sử dụng thường xuyên.

Về phát triển kinh tế số, hoạt động thanh toán trực tuyến được mở rộng. Nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh, dịch vụ chủ yếu thanh toán trực tuyến, cung cấp mã QR để thuận tiện cho khách hàng thanh toán các dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP được nhà nước hỗ trợ buôn bán kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. 80% cơ sở chủ động kinh doanh buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, 100% cơ sở sử dụng các kênh mạng xã hội để kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Có 100% tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

Điểm qua những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số, Chủ tịch UBND Huyện Mã Gia Hãnh đã chỉ rõ những nguyên nhân và lưu ý cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Đó là nhận thức về chuyển đổi số ở một số ban, ngành, địa phương chưa thực sự rõ ràng, chưa định hình được nội dung triển khai chuyển đổi số; người đứng đầu một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số.

Huyện chưa thu hút được các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Việc phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do thiếu điện lưới, địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Mặt khác, kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra. Thực tế, hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý và điều hành ở một số địa phương, ngành chưa có sự kết nối liên thông và chia sẻ. Ngoài ra, kinh tế số của huyện đạt được kết quả khá khiêm tốn...

Để những vấn đề nêu trên không trở thành rào cản trên con đường chuyển đổi số của huyện Bảo Lâm, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục có định hướng đúng đắn, giải pháp tổng thể, đồng bộ, cụ thể, chi tiết và sát hợp với thực tế trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng huyện Bảo Lâm xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc./.

Hà Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN