Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thái Bình: Sông Bạch, sông Đoan Túc đang trở thành những "dòng sông chết"...

Thứ Sáu, 25/12/2015 16:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hàng chục năm qua, tình trạng ô nhiễm trầm trọng của sông Bạch, sông Đoan Túc chảy qua địa phận phường Tiền Phong và xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình đã khiến hàng trăm hộ dân sống trong khốn khổ. Nếu không được can thiệp kịp thời, những con sông trên sẽ sớm trở thành những "dòng sông chết”!

Một góc sông Bạch, đoạn chảy qua xã Phú Xuân màu nước đen kịt, bốc mùi ô nhiễm nồng nặc, ảnh hưởng đến khu vực dân sinh. (Ảnh: T.Nam)

Được biết, sông Bạch là một con sông nhỏ nên thơ một thời của thành phố Thái Bình, bắt đầu chảy từ cống Nạng (sông cái Trà Lý) ở ranh giới xã Tân Hòa, Phúc Thành uốn lượn qua xã Tân Phong, Tân Bình (huyện Vũ Thư), rồi qua phường Tiền Phong, xã Phú Xuân, nối với sông Vĩnh Trà ở phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình.

Trên đường chảy, cấp độ ô nhiễm của sông Bạch tăng nhanh trầm trọng, đặc biệt từ đoạn qua xã Phú Xuân đổ về hạ lưu hiện nay đang trở nên báo động. Nguyên nhân chính được cơ quan chức năng xác định do trên đường đi, chúng đã phải hứng chịu một khối lượng lớn nước thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp (KCN) thải ra trực tiếp.

Ông Trần Đình Thức, 57 tuổi, ở tổ 2, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình cho biết: "Hơn 10 năm nay ,nhân dân chúng tôi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của sông Bạch. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng địa phương có giải pháp giải quyết để con sông Bạch chảy qua địa bàn sớm được cải tạo sạch sẽ hơn cho người dân chúng tôi bớt khổ".

Theo chân ông Nam, chúng tôi ra mục sở thị dòng sông Bạch. Mặc dù dòng nước vẫn lưu thông bình thường, nhưng cả mặt sông là một màu đen kịt chết chóc. Thi thoảng một cơn gió đi qua, là lập tức mùi ô nhiễm nồng nặc hăng hăng thốc lên khiến chúng tôi nghẹt thở. Việc đó đủ hiểu những cư dân sống gần con sông trên phải khổ sở thế nào với ô nhiễm!

Tình trạng ô nhiễm trên cũng xảy ra tương tự với sông Đoan Túc, nằm trên địa phận phường Tiền Phong. Tuy nhiên, con sông này còn trở nên trầm trọng hơn bởi những mảng rác thải nổi lều bều trên sông, có đoạn kết mảng lại như làm nghẹt thở cả con sông vốn đã “khốn khổ”. Mặc dù sông Đoan Túc hiện đang được đơn vị chức năng tỉnh Thái Bình cho nạo vét, tuy nhiên theo phản ánh của người dân, tốc độ thi công còn quá chậm.

Bà Nguyễn Thị Hợi, sinh năm 1959, ở phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình cho biết: Mặc dù tình trạng ô nhiễm của con sông đang hàng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi, nhưng tiến độ thi công nâng cấp hệ thống thoát nước, tiến hành nạo vét sông Đoan Túc của đơn vị chức năng thành phố Thái Bình còn quá chậm chạp, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, dẫn đến tình trạng ô nhiễm  càng trở nên trầm trọng.   

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cùng với tình trạng xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa triệt để của một số doanh nghiệp vào hệ thống các sông chảy qua địa bàn, hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi của một bộ phận dân cư cũng đã và đang góp phần làm ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường. Công bằng mà nói thì tình trạng ô nhiễm của các dòng sông trên một phần xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa được cao.

Theo kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Công ty TNHH Hợp Thành (thuộc KCN Nguyễn Đức Cảnh) có lượng nước thải trung bình khoảng 15m3/ngày đêm. Tuy nhiên, lượng nước thải này chưa được thu gom triệt để, có hiện tượng thoát vào hệ thống thoát nước mưa của KCN. Kết quả phân tích mẫu nước thải có thông số BOD5 = 160mg/l, vượt 1,6 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Còn Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long (KCN Nguyễn Đức Cảnh) có lượng nước thải sinh hoạt phát sinh mỗi tháng khoảng 150m3 được xử lý qua bể phốt, nước thải sản xuất khoảng 4.000m3/tháng được thu gom và xử lý qua hệ thống xử lý nước thải công suất 350m3/ngày đêm. Tuy vậy, qua kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty nhận thấy, cạnh khu vực này lưu giữ can nhựa đựng hóa chất thải, có hiện tượng nước thải sau xử lý để thoát vào cống thoát nước mưa của KCN và tại điểm đấu nối nước thải của Công ty vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của KCN, nước thải của Công ty cũng để thoát vào hệ thống thu gom nước mưa của KCN với khối lượng lớn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, mới đây đơn vị đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Thái Hiệp Hưng (KCN Phúc Khánh). Với lượng nước thải sản xuất khoảng 25 - 30m3/ngày được Công ty thu gom, xử lý  sơ bộ bằng hệ thống bể lắng, sau đó dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Tuy vậy, tại thời điểm kiểm tra, Công ty đã đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải mới, song chưa lắp đặt thiết bị, chưa đưa vào sử dụng, nước thải sản xuất chưa được thu gom triệt để, nước thải phát sinh từ khu vực in và từ nhà ăn ca của công nhân xả ra hệ thống thoát nước mưa của KCN.

Đáng chú ý, trong những trường hợp vi phạm có một số doanh nghiệp trong KCN dù có đầy đủ các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường song việc thực hiện các thủ tục đó không được doanh nghiệp coi trọng, hoặc chỉ thực hiện hình thức. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối thoát nước thải vào hệ thống thu gom của trạm xử lý nước thải KCN Nguyễn Đức Cảnh, một số doanh nghiệp đã đấu nối và ký hợp đồng thoát nước nhưng vẫn để nước chảy rò rỉ vào hệ thống thoát nước mưa của KCN.

Theo số liệu của Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Bình, hiện nay lượng nước thải của  KCN Phúc Khánh khoảng 7.980m3/ngày đêm; KCN Nguyễn Đức Cảnh 1.850m3/ngày đêm. Tại KCN Phúc Khánh đã đầu tư xây dựng 3 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 8.800m3/ngày đêm. Tất cả nước thải sau xử lý của KCN này được xả ra sông Bạch qua cùng một cửa xả và được kiểm soát bằng trạm quan trắc nước thải tự động. Còn tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 4.500m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động từ năm 2011.

Ban Quản lý các KCN địa phương cũng đã đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp chưa đấu nối, chưa ký hợp đồng thoát nước thải hoặc những doanh nghiệp đã đấu nối, đã ký hợp đồng nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý sơ bộ hay còn để nước thải chảy vào hệ thống thoát nước mưa của KCN.

Như vậy có thể thấy, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường cho các con sông Bạch, sông Đoan Túc thời gian qua chủ yếu là do một số nhà máy, xí nghiệp trong các KCN thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, quản lý tốt việc thu gom, xử lý rác thải nên còn để tình trạng nhân dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống sông gây ách tắc dòng chảy.

Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cấp giấy phép xả nước thải của tổ chức, cá nhân được cấp phép thuộc thẩm quyền; đồng thời cần kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thành phố Thái Bình cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước để góp phần khắc phục tình trạng ách tắc dòng chảy gây ô nhiễm dòng sông trầm trọng./.

Tuấn Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN