Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thách thức đối với việc quản lý thuế thương mại điện tử

Thứ Tư, 05/10/2022 11:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian qua, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có cơ quan thuế.​

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Dư địa tăng thu với TMĐT rất lớn

Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT; trong đó có 41 sàn TMĐT  bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT trong thời gian qua đã tạo ra dự địa lớn tăng thu từ TMĐT. Tuy nhiên cũng  đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có cơ quan thuế.

Cụ thể, đầu tiên phải kể đến khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế;  thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế; thứ ba, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh; thứ 4, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội; ngoài ra, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước thách thức đó,  Tổng cục Thuế cho biết đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh quản lý thuế TMĐT.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Việt Nam là một trong bốn nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng.

Trong đó có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ VNĐ. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ VND,…

Qua 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài. Các nhà cung cấp nước ngoài lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple) đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế.

Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số.

Ngày 1/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 889/CĐ-TTg. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Cụ thể hoá trách nhiệm kê khai, nộp thuế các chủ sàn TMĐT

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… để nâng hiệu quả quản lý thuế với TMĐT.

Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án "Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT", theo đó, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt hướng dẫn NCCNN lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng TTĐT của ngành thuế; tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số; hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử…

Ngành thuế cũng tích cực phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT…

Đáng chú ý, trong thời gian qua, ngân hàng nhà nước NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM kết nối, cung cấp thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân trong nước. Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc nâng cấp ứng dụng tiếp nhận thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân từ 91 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong một động thái mới nhất, tại tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế Bộ Tài chính đã nêu cụ thể hơn những sàn TMĐT nào sẽ phải khai thay, nộp thay thuế người bán hàng.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc "giao" việc  khó cho các sàn TMĐT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định: "Luật Quản lý thuế khẳng định trách nhiệm quản lý thuế của toàn xã hội ngoài ngành thuế còn có các đơn vị liên quan".

Theo ông Đặng Ngọc Minh, nội dung quy định việc các sàn TMĐT kê khai thay cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hợp lý. Trong trường hợp các sàn TMĐT chưa kê khai thay, thì tôn trọng theo uỷ quyền của hộ kinh doanh, cá nhân. Nếu không có uỷ quyền thì sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế làm nhiệm vụ, vì lợi ích chung toàn xã hội. Việc kinh doanh qua mạng 24/7, cơ quan thuế sẽ khó quản lý theo cách truyền thống, do đó, các sàn TMĐT đặt hàng trực tuyến có đủ dữ liệu, tiết kiệm nguồn lực chung, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngành thuế sẽ hướng dẫn hỗ trợ đầy đủ các sàn TMĐT.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế cũng cho biết, xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, tránh trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Bà Lan Anh cho rằng, quy định này không trái quy định hiện hành tại các luật thuế, bởi mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ…, đều được thực hiện thông qua sàn và người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn. Nên có thể hiểu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán trên sàn và nắm được thông tin về doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh thông qua sàn để thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay một cách thuận lợi./.

 

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN