Thả nổi thị trường vật liệu xây dựng ai được hưởng lợi?
(ĐCSVN) - Gần hai tháng qua, giá cát xây dựng các loại tại nhiều địa bàn ở thành phố Hà Nội đã có sự “leo thang” một cách chóng mặt. Theo các nhà phân tích, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này song rõ ràng, phía sau cơn “sốt” giá cát xây dựng ở Hà Nội trong những ngày qua đang có không ít người được hưởng lợi…
Đó là ý kiến chung của nhiều nhà thầu thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội sau hơn một tháng giá cát xây dựng liên tục “leo thang”. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Anh Vũ ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Việc giá cát xây dựng tăng nhanh trong những ngày qua đã khiến nhiều công trình xây dựng của công ty đang trong tình trạng thi công cầm chừng vì hợp đồng đã ký trước với đối tác hàng năm. Giờ giá cát tăng đồng nào là công ty chịu lỗ đồng đó”.
Dạo quanh một vòng những khu vực tập trung cung ứng cát xây dựng ở Hà Nội, điều đầu tiên phóng viên (PV) ghi nhận được đó là trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, giá cát xây dựng liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực tế này đã gây khá nhiều khó khăn cho người dân, nhất là các chủ thầu thi công xây dựng. Trong vai chủ thầu tìm nguồn vật liệu cho một dự án xây dựng lớn, sau khi trao đổi với một số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, chúng tôi đã phần nào cảm nhận được “độ nóng” của thị trường cát xây dựng hiện nay. Anh Nguyễn Xuân Chiến, chủ một bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Từ cuối tháng 3 đến nay, giá cát nhập vào gần như liên tục tăng. Cát nhập vào ngày hôm nay đã cao hơn ngày hôm trước vài giá. Mỗi ngày tôi xuất 7.000 - 8.000 m3 nhưng vẫn không đủ cho các đơn hàng. Nhiều hợp đồng phải huỷ bỏ do khách cho rằng chúng tôi đẩy giá lên nhưng hiện nguồn cung rất thiếu, một phần do nạn “cát tặc” đang bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm nên tăng giá là… bình thường”.
Theo khảo sát của PV, hiện nay giá các loại cát xây dựng lần lượt là 300.000 - 310.000 đồng/m3 với cát vàng loại 1; 200.000 đồng/m3 với cát vàng loại 2 và khoảng 100.000 - 110.000 đồng/m3 đối với cát đen dùng để đổ nền. Nếu so với thời điểm cuối tháng 3/2017, mức giá này cơ bản đã tăng 15 - 20% tuỳ theo từng loại cát cụ thể.
Trao đổi với PV, anh Hoàng Văn Đức, chủ một bãi chuyên cung cấp cát xây dựng ở khu vực Bến Chèm, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Hơn tháng nay các tàu cuốc gần như nằm bất động nên nguồn cung cát xây dựng giảm hẳn. Một vấn đề được cho là nguyên nhân khiến cát tăng giá, khan hàng bởi thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã mạnh tay với “cát tặc”, thêm vào đó các điểm được cấp phép khai thác, nạo vét cũng tạm dừng để rà soát lại nên nguồn cung hạn chế".
Dấu hiệu lũng đoạn thị trường cát xây dựng?
Để có cái nhìn toàn diện về cơn “sốt” giá cát xây dựng trong những ngày qua, PV đã tìm đến một số địa bàn tập trung nhiều bãi kinh doanh cát xây dựng tại các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Thường Tín… Ghi nhận tại đây cho thấy, tuy nguồn cung có giảm ít nhiều bởi hoạt động khai thác cát trái phép bị ngăn chặn quyết liệt, song đó không hẳn là lý do chính khiến giá cát xây dựng tại Hà Nội liên tục leo thang. Theo ông Thành, một chủ bãi có nhiều năm kinh doanh cát xây dựng ở huyện Thanh Trì cho biết: “Thực tế thì lượng cát có nguồn gốc từ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch cũng chỉ chiếm một tỷ lệ không lớn trong cơ cấu nguồn cung cấp cát xây dựng”. Còn theo một số chủ bãi ở huyện Thường Tín, nguồn cung cát xây dựng phần lớn là được vận chuyển từ các mỏ cát với sản lượng khai thác tương đối ổn định ở Việt Trì (Phú Thọ), Sơn Tây (Hà Nội), Hoà Bình… Nhờ sự “kết nối” của ông Thành, PV có cuộc trao đổi điện thoại với một người tên Sơn là đầu mối chuyên cung cấp cát xây dựng cho các công trình lớn ở Hà Nội. Anh Sơn khẳng định chắc chắn: “Nói chung là bên em cứ yên tâm, anh sẽ cung cấp đúng theo nhu cầu của bên em cả về cát đen cũng như cát vàng. Bên em có nhu cầu bao nhiêu khối chỉ cần báo cho anh trước khi ký hợp đồng 1 hôm. Nhưng anh cũng nói luôn là giá thì ít nhất sẽ như thời điểm này, nếu có giảm thì cũng chỉ giảm chút ít thôi”.
Trao đổi quan điểm của mình, anh Hà Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế và đầu tư xây dựng Hùng Anh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Hiện tượng giá cát tăng hiện nay có một nguyên nhân rất lớn đó là yếu tố đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường cát xây dựng. Nhiều đầu nậu, nhà cung cấp lợi dụng chủ trương siết chặt việc khai thác cát xây dựng đã “làm giá” để trục lợi từ khách hàng. Anh Hùng phân tích, “Về mặt lý thuyết, lượng cát từ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch chiếm tỷ trọng không nhiều trong cơ cấu nguồn cung cát xây dựng. Vì thế, việc kiên quyết chống “cát tặc” sẽ không thể làm cho giá cát xây dựng tăng chóng mặt như vậy. Rõ ràng ở đây, chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong ngăn chặn nạn “cát tặc” đang bị nhiều người lợi dụng để đầu cơ, trục lợi”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quyết tâm ngăn chặn tình trạng “cát tặc” là một chủ trương đúng của Chính phủ nhưng các địa phương cũng nên chuẩn bị những vùng nguyên liệu cát cụ thể với trữ lượng phù hợp để cung cấp cho thị trường. Thực tế hiện nay, nguồn cung cát không phải quá khan hiếm nhưng một số chủ bãi, đầu mối cung cấp cát xây dựng đang lợi dụng chủ trương chống “cát tặc”, cố tình đẩy giá cát tăng cao, tạo “sốt” ảo để trục lợi. Do vậy, cần tăng cường việc quản lý hoạt động khai thác của các đơn vị có giấy phép cũng như thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trục lợi bất chính./.