Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội nông dân các cấp

Thứ Tư, 21/09/2022 21:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội nông dân các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội;..

Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực tổ chức sản xuất cho nông dân. (Ảnh: baodantoc.vn) 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang vừa ban hành Chỉ thị về lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó nêu rõ, thời gian tổ chức đại hội Hội Nông dân cấp cơ sở hoàn thành trước ngày 30/4/2023; cấp huyện và tương đương hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Giang lần thứ thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 hoàn thành trước ngày 30/9/2023.

Để tổ chức thành công đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân trong giai đoạn mới; xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; gắn xây dựng giai cấp nông dân với quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn.

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chủ động tiếp cận thị trường và các nguồn lực hỗ trợ; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực tổ chức sản xuất cho nông dân; khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn..., thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội nông dân các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội; khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân, góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng đoàn, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh chủ động hướng dẫn việc tổ chức đại hội hội nông dân các cấp trong toàn tỉnh; lựa chọn 01 đơn vị chỉ đạo đại hội điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành phải đánh giá đầy đủ tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua, nêu rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp, bám sát tôn chỉ, mục đích và thực tiễn phong trào của Hội, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức Hội trong nhiệm kỳ tới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác nhân sự phải bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình theo quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; lựa chọn được những người có đủ điều kiện, năng lực, uy tín, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân; xây dựng cơ quan Hội các cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý, có sự kế thừa phát triển.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trước, trong và sau đại hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân. Phát động, tổ chức các phong trào thi đua trong các cấp Hội với nhiều công trình, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong công tác Hội Nông dân của tỉnh…

Cũng theo Chỉ thị, trong nhiệm kỳ qua, hội nông dân các cấp tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các cấp Hội đã thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hột viên, nông dân; vận động hội viên, nông dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến; phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của hội viên, nông dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, công tác Hội và phong trào nông dân vẫn còn những hạn chế như: việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội nông dân các cấp còn chậm, năng lực của cán bộ Hội ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao; công tác Hội và phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới; nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác Hội và phong trào nông dân chưa được quan tâm đúng mức.../.

Ngọc Khang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN