Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tập trung vào những quy hoạch then chốt để dẫn dắt quy hoạch khác

Thứ Hai, 30/05/2022 17:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) đề nghị, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác.

Chiều ngày 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều 30/5. Ảnh: QH

Chất lượng quy hoạch chưa cao

Đưa ra ý kiến về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) tán thành cao với báo cáo của Đoàn giám sát. Theo đó, đại biểu cho rằng công tác thực hiện quy hoạch vẫn còn có một số hạn chế, tồn tại nhất định.

Đại biểu chỉ rõ, các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo của các công trình còn chưa được ban hành đầy đủ; khâu tổ chức tư vấn lập quy hoạch ở các địa phương vẫn còn hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn để đảm bảo có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch, quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch…

Bên cạnh đó, về quy trình lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, thực tế triển khai thực hiện cho thấy việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong khi không phải khi nào cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch, đồng thời ban hành đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý kinh phí lập quy hoạch.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cần khẩn trương kiểm tra, rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp, trong đó yêu cầu các văn bản này phải được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương căn cứ vào đó triển khai thực hiện.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát; cho rằng quy hoạch là một trong những lĩnh vực khó và quan trọng.

Băn khoăn về chất lượng của các quy hoạch, đại biểu cho biết, chúng ta đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý; nguồn lực, năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn; quản lý nhà nước; đặc biệt là hạn chế về nguồn kinh phí. “Một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít thì hiển nhiên chất lượng sẽ không đảm bảo”, đại biểu cho hay.

Tập trung vào quy hoạch then chốt, dẫn dắt cho quy hoạch khác

Bày tỏ tán thành với nội dung báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) cho rằng, trước một vấn đề mới, khó, phức tạp trong một thời gian rất ngắn lại chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19, thông qua việc nghiên cứu một khối lượng lớn tài liệu và tổ chức hơn 30 cuộc làm việc với các cơ quan liên quan, Đoàn giám sát đã hoàn thành Dự thảo báo cáo phản ánh khá toàn diện, đầy đủ thực trạng tình hình về công tác hiện nay. Trong đó, đã làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật quy hoạch và quá trình tổ chức thực hiện các quy định này.

Để đảm bảo chất lượng các kế hoạch, đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. Đại biểu nêu ví dụ như: quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá về cách thức và nguồn kinh phí để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, có chất lượng cao, có sự kết hợp tư vấn trong và ngoài nước đặt hàng để tập trung triển khai các kế hoạch then chốt nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) cho rằng, trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra được một loạt các kiến nghị, giải pháp cụ thể có giá trị thực tiễn cao nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng như cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này.

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung nhận xét, đánh giá được nêu trong báo cáo kết quả giám sát. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng cần phân tích, đánh giá xác định rõ hơn đâu là những hạn chế, bất cập, có tính thời điểm, bởi đây là lần đầu tiên thực hiện việc lập quy hoạch cho phương pháp tích hợp có sự phối hợp đa ngành và đâu là điểm hạn chế, bất cập, chưa phù hợp sẽ có tác động ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng, hiệu quả của công tác lập, quyết định, tổ chức thực hiện quy hoạch để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia, quy hoạch đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào hệ thống quy hoạch quốc gia hoặc bổ sung nội dung quy hoạch này thành một nội dung tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh để làm cơ sở định hướng cho việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp và trực tiếp làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 trên phạm vi cả nước đúng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước.

Đánh giá cao báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc lựa chọn chuyên đề giám sát này rất phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính cấp bách của thực tiễn hiện nay.

Tiếp thu những ý kiến xác đáng của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết, bất cập đầu tiên trong công tác quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra một quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp. Bất cập thứ hai là quy hoạch cần dựa trên cơ sở thực tiễn, chiến lược kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng thông qua. Quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp.

Theo Bộ trưởng, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong một quy hoạch là một điều rất khó khăn trên thực tế. Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị quyết này đã tháo gỡ những khó khăn về mặt kỹ thuật, để giải quyết những vấn đề mới.

Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện đồng thời các quy hoạch, tuy nhiên cần phối hợp có hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc lập quy hoạch. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, cần tích hợp các quy hoạch để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất giữa các quy hoạch./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN