Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tập trung rà soát các văn bản hiện là “điểm nghẽn”

Thứ Năm, 27/04/2023 23:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu trên tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chiều ngày 27/4.

Phát hiện nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ Công tác, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy cho biết:  Trong năm 2022, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau, trong đó đã tăng cường tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị đối thoại chính sách, lấy ý kiến rộng rãi, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp luật mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, nhất là nội dung liên quan đến kết quả rà soát chuyên sâu theo các nhóm chuyên đề của Tổ công tác; tổ chức các cuộc họp, hội thảo trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các bộ, ngành đã tập trung, nghiêm túc thực hiện việc rà soát và xử lý kết quả văn bản.

 Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TH. 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của Tổ công tác còn một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân như sau:  Trong thời gian qua, các bộ, ngành phải triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ rà soát văn bản mới do nhiều cơ quan có thẩm quyền yêu cầu với phạm vi rộng, đối tượng văn bản cần rà soát lớn, thời hạn thực hiện ngắn; một số trường hợp còn có sự đan xen, trùng lắp về phạm vi rà soát dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả rà soát văn bản. Việc xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được khẩn trương triển khai, nhưng đến nay vẫn còn số lượng lớn các văn bản chưa hoàn thành việc xử lý (233 văn bản/446 văn bản cần xử lý); nguồn lực bảo đảm cho hoạt động này còn khó khăn, hạn chế…

Tại Hội nghị, các ý kiến đã tập trung làm rõ các kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, khó khăn như: Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản trong một số trường hợp vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; việc kết nối, sử dụng kết quả rà soát trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản vẫn còn có những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản; nguồn lực bảo đảm cho hoạt động này còn khó khăn, hạn chế… Trên cơ sở đó, đề nghị huy động, tập trung nguồn lực, bảo đảm bố trí đủ cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn chuyên sâu cho Bộ phận thường trực, Tổ giúp việc, các Nhóm rà soát của Tổ công tác; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm thực hiện hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ theo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Tổ công tác.

Huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị trong rà soát VBQPPL chuyên sâu

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ Công tác đánh giá, qua 03 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ bài bản, khoa học, hiệu quả; việc rà soát cơ bản toàn diện, hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm. Mặc dù khối lượng văn bản thuộc đối tượng rà soát lớn, thời hạn thực hiện rà soát ngắn, quá trình thực hiện rà soát gặp không ít khó khăn, song Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện rà soát văn bản thuộc trách nhiệm được giao.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TH.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Bộ phận thường trực Tổ công tác bám sát Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Tổ công tác tham mưu triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ; trong đó tập trung xác định các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, có tính gắn kết với việc triển khai Đề án 06; phân công trách nhiệm cụ thể của Thành viên Tổ công tác đảm bảo rõ ràng, khả thi, đúng chức năng, nhiệm vụ, với tinh thần hết sức khẩn trương, hiệu quả, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Bộ trưởng lưu ý việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch bảo đảm bám sát và thường xuyên cập nhật các yêu cầu, nhiệm vụ về rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản liên quan. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổ Công tác Đề án 06 để bảo đảm tính thống nhất, liên thông, thực hiện nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất.

Trong đó, cần có giải pháp huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là rà soát chuyên sâu đối với các chuyên đề, lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ.

Đối với các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập là “điểm nghẽn” có tính chất liên ngành, thời sự, là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, không phù hợp đã được phát hiện và đề xuất phương án xử lý tại các Báo cáo rà soát đã được thực hiện (từ năm 2020 đến nay), Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đồng chí thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, tập trung bố trí nguồn lực, đẩy mạnh việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo chương trình, kế hoạch ban hành văn bản và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổ công tác sẽ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Tính đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện và hoàn thành việc xử lý, tham mưu xử lý đối với 174 văn bản, đang khẩn trương nghiên cứu, xử lý, tham mưu xử lý đối với 233 văn bản trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021

Kết quả rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị: Tổng số văn bản thuộc đối tượng, phạm vi rà soát: 84 văn bản, bao gồm: 30 luật, 01 nghị quyết của Quốc hội, 16 nghị định, 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 32 thông tư, 01 quyết định của Bộ trưởng có liên quan đến pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị. Trong đó, đã phát hiện một số quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn trong 18 văn bản.

Kết quả rà soát quy định pháp luật về đấu giá tài sản: Tổng số văn bản đã được rà soát: 52 văn bản, bao gồm: 13 luật, 28 nghị định, 11 thông tư liên quan đến pháp luật về đấu giá tài sản. Trong đó, đã phát hiện một số quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn trong 14 văn bản. 

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN