Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tập trung cho làn sóng AI, bán dẫn tại Việt Nam: Biến thách thức thành cơ hội

Thứ Ba, 01/10/2024 18:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI, bán dẫn – Biến thách thức thành cơ hội diễn ra chiều 1/10 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC).

Các đại biểu ấn nút khởi động chương trình phát triển nguồn nhân lưc ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Ảnh: HNV)  

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập NIC và Ngày hội ĐMST Quốc gia 2024. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực AI và bán dẫn như Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel… cùng sự tham gia đông đảo của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái như viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước, và các bạn thế hệ trẻ Việt Nam. Điều này khẳng định thêm sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và sự cam kết đồng hành, hợp tác của các đại biểu tham dự trong việc cùng nhau thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

7 lợi thế của Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao

Phát biểu  khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 7 lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay liên quan tới ĐMST gồm có:

Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy ĐMST, các ngành công nghệ cao.

Thứ hai, Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng, có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực STEM được đánh giá cao.

Thứ ba, Việt Nam đã lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp từ thực tiễn khách quan. Theo đó, Việt Nam ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực này nhằm hiện thực hóa các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bắt kịp, tiến cùng, vượt lên so với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Thứ tư, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021. Ngày 21/9/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và đối tác trong nước và quốc tế đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, nhằm thực hiện được mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030.

Thứ năm, hiện nay, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.

Thứ sáu, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư trong năm 2024 để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao.

Thứ bảy, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban; đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng với 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Cũng tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với vai trò Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã bày tỏ mong muốn được lắng nghe những khuyến nghị, đề xuất, góp ý cụ thể về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI, giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dịp này, Bộ trưởng cũng tin tưởng sự hợp tác chặt chẽ giữa cam kết của Việt Nam và sự đồng hành của các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong việc thúc đẩy, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, ĐMST, trong đó có ngành trí tuệ nhân tạo và bán dẫn.

Hội thảo thu hút đồng đảo đại biểu, nhất là các bạn trẻ tham gia (Ảnh: HNV) 

Chủ động thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái ĐMST

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, trí tuệ nhân tạo uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để cùng bước vào bản đồ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thế giới. Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI). Đây là sáng kiến thuộc Đạo Luật Khoa học và Chips, cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Tháng 9/2024 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) ... để cùng đào tạo tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, Chủ tịch FPT Semicondutor trình bày một số quan điểm liên quan tới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI, bán dẫn – đi lên từ cơ hội để giải quyết thách thức toàn cầu, trong đó khẳng định vai trò “then chốt” của nguồn nhân lực đối với lĩnh vực AI, bán dẫn cũng như cung cấp một số ứng dụng nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực AI, bán dẫn.

Bên lề Hội thảo, ông Phạm Thành Lâm, Giám đốc Trung tâm AI & Data Science, Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết, với lợi thế ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo ngay từ khi khởi đầu, đơn vị này đã trở thành ngân hàng số toàn diện, ứng dụng chuyển đổi số digitalization 100% và không có bất kỳ chi nhánh, phòng giao dịch vật lý nào. Toàn bộ hoạt động và nhu cầu tài chính của khách hàng được số hóa ngay trên ứng dụng ngân hàng số CAKE. Theo đó, CAKE cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân của lĩnh vực ngân hàng, bao gồm: chuyển khoản, thanh toán, tiết kiệm, liên kết đầu tư, cho vay tiêu dùng, mua trước trả sau, thẻ tín dụng… cùng các dịch vụ sáng tạo khác như phân phối vé các hoạt động giải trí, du lịch, di chuyển… được tích hợp sẵn sàng trên cùng một nền tảng. “Chúng tôi tự xây dựng hơn 40 models AI tiên tiến nhất, đưa vào từng khâu trong hoạt động vận hành, từ back office, front office đến middle office, từ marketing, đến chấm điểm tín dụng, quản trị rủi ro… Đồng thời, chúng tôi đang phát triển mô hình ngôn ngữ lớn Cake LLM trong nhóm AI tạo sinh, phục vụ riêng cho tài chính ngân hàng và tiếng Việt. Đây có thể là ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam sở hữu những mô hình tiên tiến này”- đại diện đơn vị nói.

Rõ ràng, những ứng dụng AI và bán dẫn trong thực tế đã và đang cho thấy những tiện ích to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Dù còn thách thức nhưng đa số đại biểu đều tin rằng với chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành thời cơ để khẳng định và hiện thực hóa khát vọng tô đậm Việt Nam trên bản đồ ĐMST thế giới như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm diễn ra sáng cùng ngày./.

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN