Đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững
(ĐCSVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.
Sáng 1/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học.
Ngày hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng các bộ, cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trực tiếp, 10.000 đại biểu trực tuyến, cùng hàng chục nghìn đại biểu tham dự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nhật Bắc |
Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo bứt phá, nâng cao năng suất
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan khu trải nghiệm công nghệ tiên tiến, trưng bày sản phẩm, giải pháp mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và chuyển đổi xanh.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức sự kiện và nêu rõ sự tham gia đông đảo của các đại biểu cho thấy sự quan tâm sâu sắc, cũng là minh chứng cho sự thành công bước đầu của NIC nói riêng và sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.Thủ tướng nêu rõ, về cơ sở chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về cơ sở pháp lý, đổi mới sáng tạo được quy định rõ trong nhiều luật, nhất là Luật Khoa học và công nghệ chỉ rõ, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu tham quan tại khu Trưng bày sản phẩm, giải pháp mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và chuyển đổi xanh. Ảnh: BL |
Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo liên quan đến nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và cần phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đối với từng chủ thể, từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước.
Về căn cứ thực tiễn, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, của đất nước, cũng như trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Điểm lại kết quả đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian qua, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.
Phân tích bối cảnh thế giới, trong nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, khó lường; đặc biệt sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.
Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn… Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính, nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước….
Ngoài ra, Thủ Tướng yêu cầu cần tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu....
“Thắp lửa” cho tương lai đổi mới sáng tạo Việt Nam
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Innovate Viet Nam 2024 đánh dấu hành trình chuyển đổi mạnh mẽ của NIC trong 5 năm qua, thể hiện “Khát vọng - Tiên phong - Bứt phá” và khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự kiện cũng diễn ra đúng dịp kỷ niệm một năm khánh thành NIC Hòa Lạc - một biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo nên các giá trị đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp vươn xa và mở ra một không gian đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam.
Trong 5 năm qua, NIC đã và đang tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, startup và nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng những công nghệ tiên tiến. NIC phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái AI và bán dẫn cũng như vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BL |
Không chỉ vậy, NIC tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác thực chất giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò trung tâm, kết nối nguồn lực, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển chung, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các startup trong các giai đoạn phát triển.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, NIC triển khai nhiều chương trình đa dạng, bao gồm trao học bổng, chương trình đào tạo, và các sự kiện kết nối với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế, đặc biệt là hai ngành công nghiệp bán dẫn và AI theo chủ trương của Chính phủ. Những nỗ lực của NIC đã phần nào giúp Việt Nam ghi tên thành công vào bản đồ công nghệ khi liên tiếp thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Ngày 02/10/2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập với sứ mệnh là hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhanh chóng nắm bắt thời cơ ngàn năm có một của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Để hiện thực hóa sứ mệnh này, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo NIC vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tập trung triển khai 09 ngành lĩnh vực công nghệ trọng tâm đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển của thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo NIC tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo của Quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á vào năm 2045.”
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC khẳng định: “Đổi mới sáng tạo chính là động lực để cách mạng hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lễ kỷ niệm 5 năm của chúng tôi không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được mà còn là bước đệm để tạo ra những đột phá trong tương lai, định hình nên bức tranh công nghệ của Việt Nam.”
Vinh danh cá nhân, tổ chức đóng góp tích cực cho hệ sinh thái ĐMST
Cũng tại buổi lễ, 5 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 (VIC 2024) do NIC và Meta đồng tổ chức được Thủ tướng Chính phủ vinh danh, gồm: Cadence (Tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công cụ tự động hóa thiết kế điện tử và thiết kế vi mạch) và Nexus Photonics (Công ty thiết kế chip quang học do người Việt Nam đồng sáng lập) trong lĩnh vực Bán dẫn; 3 đại diện FPT, Viettel và CHOSEN (đến từ Thái Lan) trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng vinh danh và chúc mừng 5 giải pháp xuất sắc "Thách thức đối mới sáng tạo Việt Nam 2024" .Ảnh: Nhật Bắc. |
Ngoài ra, 15 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc đã được giới thiệu và trình chiếu tới toàn thể quý vị đại biểu. Các giải pháp đại diện cho 3 nhóm doanh nghiệp gồm: Tập đoàn; doanh nghiệp nhỏ và vừa và các startup, dự án đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh trao giải VIC 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng trao bằng khen và kỷ niệm chương cho các cá nhân, tổ chức đóng góp tích cực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; trong đó có Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SunEdu.
Đại diện cho các cá nhân, tổ chức báo cáo Thủ tướng tại sự kiện, ông Trương Công Minh Hiển, Chủ tịch Công ty SunEdu cho biết: Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC) tại NIC Hoà Lạc khánh thành vào ngày 1/10/2023 là sự hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SunEdu (là công ty do các chuyên gia người Việt tại Thung lũng Silicon Hoa kỳ và các doanh nhân trong nước đồng sáng lập) và ASU cùng các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Cadence, Siemens, Synopsys, AMD...
Ông Trương Công Minh Hiển, Chủ tịch Công ty SunEdu (phía tay trái) báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện. Ảnh: BL |
Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao nghành điện tử và bán dẫn và AI; hỗ trợ ươm tạo cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp; đào tạo theo loại hình Cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn Quốc tế, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng "Upskill” và đào tạo lại kỹ năng Reskill cho các sinh viên năm cuối hay các học viên là các kỹ sư các nghành bán dẫn hoặc nghành gần với bán dẫn. Các giáo trình đưa vào giảng dạy được các chuyên gia từ Silicon Valley biên soạn theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hội đồng khoa học gồm các giáo sư đầu nghành hoàn thiện.
Ông Trương Công Minh Hiển cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn đến năm 2030, dưới sự hỗ trợ từ NIC, Khu Công nghệ Cao TP. Hồ Chí Minh và các đối tác Cadence, Synopsys, Siemens, AMD.. ,Công ty SunEdu đã ký kết hợp tác thành lập 7 Trung tâm điện tử và bán dẫn (ESC) tại 7 tỉnh, thành với hơn 15 trường đại học lớn trên cả nước.
Từ 1/10/2023 đến nay, các Trung tâm này đã đào tạo hàng trăm giảng viên từ 15 trường Đại học kỹ thuật đầu nghành và hàng trăm kỹ sư vi mạch, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới như Marvell, Synopsys, Ampere Computing, ADTechnology,... Các học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo đã được tuyển dụng vào các tập đoàn lớn và có thể bắt đầu công việc ngay, nhận được sự đánh giá rất cao từ các nhà tuyển dụng.
Năm 2024, Công ty sẽ triển khai trên diện rộng tại các trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện bưu chính Viễn Thông, Đại học Quốc gia TP Hồ CHí Minh, Hà Nội...Đến năm 2030, hệ thống các Trung tâm ESC và các đối tác cam kết tham gia đào tạo số lượng lên đến 5.000-10.000 kỹ sư bán dẫn trong số 50.000 kỹ sư do chính phủ đặt ra.