Tập huấn hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng
(ĐCSVN) – Trong các ngày 28-29/9, 3-4/10, 5-6/10/2023, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tổ chức 3 lớp tập huấn “Hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh răng miệng trong cộng đồng” cho cán bộ phụ trách công tác Nha học đường của trung tâm y tế các, huyện/thành phố, cán bộ phụ trách công tác nha học đường, y tế trường học của trạm y tế các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Đ/c Trần Ngọc Minh – Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc lớp tập huấn. (Ảnh: Duy Tiến) |
Chương trình được triển khai theo Kế hoạch 928/KH-SYT ngày 30/5/2023 của Sở Y tế về việc triển khai “Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh Răng miệng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2023”.
Tại lớp tập huấn, các học viên được các giảng viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cung cấp các nội dung: Triển khai đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng năm 2023; sự hình thành và phát triển cung răng ở trẻ em, một số bất thường khi mọc răng, các bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ em; sơ cứu chấn thương răng ở trẻ em; dự phòng lệch lạc răng ở lứa tuổi học đường; chải răng, dinh dưỡng và sức khỏe răng miệng…
Theo Bộ Y tế, các vấn đề sức khỏe răng miệng của người dân có tác động đến nền kinh tế. Tại các nước phát triển, trung bình 5% tổng chi phí y tế có liên quan đến việc điều trị các bệnh răng miệng. Chi phí điều trị trực tiếp do các bệnh răng miệng trên toàn thế giới ước tính khoảng 298 tỷ USD hàng năm, tương ứng với mức trung bình 4,6% chi phí y tế toàn cầu. Chi phí gián tiếp do các bệnh răng miệng trên toàn thế giới lên tới 144 tỷ USD hàng năm, tương ứng với thiệt hại kinh tế nằm trong phạm vi của 10 nguyên nhân gây tử vong thường xuyên nhất trên toàn cầu.
Trước các tác động của sức khỏe răng miệng, nhiều nước trên thế giới đã quan tâm đầu tư cho các chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng. Các chương trình này tác động đến những đối tượng trong xã hội, bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng đặc biệt như bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ có thai, nhóm người dị tật…
Toàn cảnh lớp tập huấn. (Ảnh: Duy Tiến) |
Tại Việt Nam, tình hình bệnh răng miệng trong cộng đồng, theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc lần thứ 3 thực hiện năm 2015 cho thấy người Việt Nam có tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng cao ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ sâu răng sữa ở nhóm tuổi 6 - 8 tuổi là rất cao (86,4%), trung bình mỗi trẻ em có 6,21 răng bị sâu; sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em xuất hiện sớm và có chiều hướng tăng theo thời gian. Trẻ em 6-8 tuổi đã có 20,9% sâu răng vĩnh viễn; lứa tuổi then chốt 6 tuổi 85,6% sâu răng sữa; lứa tuổi 12 và tuổi 17 tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn là 44,8% và 35,2%. Tỷ lệ sâu răng người lớn ở tuổi 18 -34 là 72,8%; tuổi từ 35 - 44 là 70,4%; tuổi trên 45 là 66,7%. Tỷ lệ mắc bệnh vùng quanh răng cũng ở mức cao như: chảy máu lợi chiếm 54,5%; túi lợi nông chiếm 7,0%; túi lợi sâu là 3,9%.
Tỷ lệ trẻ em bị lệch lạc răng cao chiếm trên 90,1%. Tỷ lệ người cao tuổi bị mất răng cao (chiếm 79,4%), trong đó, tỷ lệ mất 1 - 8 răng (còn lại trên 20 răng còn chức năng) thấp chiếm 65,7%, tỷ lệ mắc bệnh quanh răng ở người trên 65 tuổi rất cao (chiếm 77,3%).
Nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi của người dân trong chăm sóc sức khỏe răng miệng, từ đó nâng cao sức khỏe răng miệng cộng đồng góp phần nâng cao sức khỏe và thể trạng người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch triển khai “Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh Răng miệng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2023”. Mục tiêu chung phát triển chuyên khoa răng hàm mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, dự phòng sức khỏe răng miệng cho người dân trên địa bàn tỉnh./.