Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tập đoàn FPT và Fujitsu hợp tác sản xuất rau áp dụng công nghệ thông tin

Thứ Tư, 24/02/2016 16:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Trồng rau không cần đất, cây trồng được điều khiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín. Thông qua các cảm biến, người trồng rau chỉ cần điều khiển từ xa thông qua máy tính, máy tính bảng… để điều khiển không khí, nước tưới, phân bón.

Các đại biểu nghe phần giới thiệu mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây “Akisai” trên cây xà lách. Ảnh: Tú Anh/TTXVN

Công nghệ sản xuất rau tiên tiến áp dụng công nghệ thông tin này đã được Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) hợp tác phát triển lần đầu tiên tại Việt Nam. 

Tại lễ khai trương Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu ngày 24/2, tại Hà Nội của Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, với vai trò là doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, FPT mong muốn đem những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp quốc gia. 

Ông Trương Gia Bình hy vọng, mô hình này hiện mới chỉ thực hiện ở cây trồng là xà lách, cà chua, nhưng sau đó hai tập đoàn muốn giới thiệu một công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. “Sẽ khó có thể phân biệt đâu là nông nghiệp, đâu là công nghiệp, đâu là công nghệ thông tin đâu là khoa học công nghệ. Biên giới về các khái niệm cũ sẽ bị xóa đi và khái niệm mới – Nông nghiệp thông minh sẽ tượng trưng cho nông nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và cả thế giới. FPT sẽ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp để phát triển mô hình nông nghiệp thông minh tại Việt Nam” - ông Trương Gia Bình cho bày tỏ. 

Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây-Akisai. Đây là một trong những công nghệ hiện đại và thông minh nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Fujitsu giới thiệu tại Nhật Bản (năm 2012) đã giúp tối ưu hóa mô hình sản xuất nông nghiệp từ khâu cung cấp vật tư đến canh tác, sơ chế, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Hiện trung tâm này đang áp dụng hai mô hình sản xuất là nhà kính và nhà máy rau trên 2 loại rau có giá trị gia tăng cao là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali. 

Điểm khác biệt của hai mô hình này là cây trồng được điều kiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín, tránh được sâu bệnh, nhờ vậy giảm được công sức cho người trồng và cho sản phẩm chất lượng vượt trội. Đặc biệt, vì không sử dụng chất hóa học nông nghiệp nên rau xà lách có thể ăn ngay mà không cần rửa. 

Cà chua cũng được áp dụng kỹ thuật IMEC (phương pháp trồng trên tấm phim Hydrogel) cho phép chất dinh dưỡng và nước thấm quá, giúp ngăn chặn toàn bộ vi khuẩn. Với kỹ thuật này, cà chua được trồng với mật độ cao, trung bình 4.000 - 6.000 cây/1.000 m2, thu hoạch được quanh năm, thay vì trồng luân canh như kỹ thuật thông thường tại Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát mong muốn, từ việc đầu tư của các tập đoàn lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ có một nền nông nghiệp hiện đại hóa có sức cạnh tranh cao trong thị trường hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ đỉnh cao là một trong những trụ cột. FPT và Fujitsu sẽ góp phần hiện thực hóa điều đó. 

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tham gia vào nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đang rất cần nhiều doanh nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ nông dân đi vào thị trường lớn, làm ra sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả cao” - Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá. 

Dự kiến sau giai đoạn thử nghiệm, FPT và Fujitsu sẽ thống nhất mô hình phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức có thể cùng hợp tác phát triển rộng rãi mô hình này tại Việt Nam./. 

Bích Hồng/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN