Tạo thuận lợi và an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt
(ĐCSVN) - Trong những tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cùng các bộ, ngành, các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)...
Nhiều sản phẩm dịch vụ thanh ứng dụng công nghệ giúp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: M.P) |
Phát huy hiệu quả TTKDTM trong bối cảnh dịch bệnh
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), những điểm thay đổi lớn trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán; hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hạ tầng thanh toán; cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện tích, thân thiện luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ;v.v.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, thông suốt và ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 27,3% về tổng giao dịch xử lý và 20,3% về tổng giá trị trong giai đoạn 2016-2019; hệ thống chuyển mạch, bù trừ đã phát huy hiệu quả, tốc độ tăng trưởng năm 2019 so với năm 2018 đạt 171% về số lượng giao dịch và 96% về giá trị.
Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối tới tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công,..
Đáng chú ý, hầu hết các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: phân tích hành vi khách hành trên dữ lệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless),... Nhờ đó, thanh toán thẻ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,4% về số lượng và 33,8% về giá trị giao dịch trong giai đoạn 2016-2019; đặc biệt, thanh toán trên Mobile cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 85% về số lượng và 158,5% về giá trị giao dịch.
Chỉ tính riêng trong 4 tháng năm 2020 khi giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Phát phát huy những hiệu quả, thúc đẩy TTKDTM, thời gian tới đòi hỏi sự đồng bộ của các giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến thực thi, phổ biến chính sách...
Về phía NHNN, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về TTKDTM, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC),..
Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá kết quả triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó cần sự phối hợp đồng bộ để hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Đối với các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ Chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử. Một phân khúc thị trường nhiều ngân hàng cần quan tâm là khu vực nông thôn; hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, đồng thời tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan…
Với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch sẽ góp phần triển khai có hiệu quả và phù hợp với định hướng: “Thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt” đã được nêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/9/2019./.