Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo "lá chắn" an toàn cho trẻ!

Thứ Ba, 01/06/2021 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Câu chuyện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không mới. Song vấn đề trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi đại dịch COVID-19 khiến những ngày hè của trẻ em dường như "gắn chặt" trên không gian mạng.

Đại dịch COVID-19 khiến kỳ nghỉ hè của trẻ em đến sớm theo một cách đặc biệt, nhưng lại không trọn vẹn như mong muốn. Vì lo ngại dịch bệnh, nhiều bố mẹ hạn chế cho con ra ngoài. Con trẻ không còn những ngày hè tự do chạy nhảy, vui chơi..., mọi hoạt động vui chơi của trẻ chỉ có thể diễn ra tại nhà, lủi thủi quẩn quanh trong bốn bức tường. Trong hoàn cảnh ấy khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài.

Không thể phủ nhận internet, các thiết bị công nghệ mang đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ em. Thế nhưng bên cạnh giá trị tích cực cũng luôn hiện hữu những mối nguy cơ có thực với trẻ em.

Ngoài những nguy cơ “có thể nhìn thấy” như cận thị, ảnh hưởng đến sức khỏe…, hai mối quan ngại lớn nhất của phụ huynh khi con dành nhiều thời gian trên nền tảng ảo: hiểm nguy đến từ người lạ và nội dung không phù hợp cho trẻ.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: Kim Thanh) 

Theo khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet; trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng. Trong năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Indonesia.

Trong một báo cáo khác do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 5/9/2019 cũng cho thấy có đến 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng. Gần 75% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng….

Những con số trên cho thấy, những tác động từ “thế giới ảo” là hoàn toàn có thật. Và nguy cơ rủi ro trong thế giới ảo và thế giới thực ngày càng khó phân định. Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên Internet.

Người lớn có rất nhiều lý do để phó mặc con cùng với những thiết bị thông minh. Trong khi đó, những nội dung độc hại với con trẻ được lồng ghép rất tinh vi. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, phụ huynh sẽ chỉ thấy là con đang xem điện thoại, tivi, máy tính... từ đó mà quên mất sự cảnh giác. Những cái “tặc lưỡi” dễ dàng, những sự kiểm duyệt qua loa và cả sự thiếu hiểu biết của bố mẹ về thế giới mạng vô tình đã để con mình tiếp cận mỗi ngày với cái xấu mà không hay biết.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, không ai khác, những người làm cha mẹ cần đứng ở vị trí tiên phong. Ngoài tình yêu thương, cha mẹ cần trang bị thêm kiến thức cho mình để đồng hành cùng con. Cha mẹ hoàn toàn có thể “kiểm soát ngầm” con bằng cách hiểu rõ các tính năng của thiết bị di động, máy vi tính, cũng như trang bị các kiến thức về an toàn thông tin trên mạng. 

Các hoạt động của trẻ em trên mạng internet thường là: Giao tiếp (nhắn tin, gọi điện thoại có camera, email...), chia sẻ dữ liệu (hình ảnh, vị trí...), chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số (blog, livestream, youtube...), sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter...), giao dịch trực tuyến (mua vật phẩm trò chơi, mua sắm qua trang thương mại điện tử...).

Từ những hoạt động đó, có những giải pháp để cha mẹ có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được. Chẳng hạn, chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối internet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…

Quan trọng nhất, cha mẹ cần dành thời gian nhiều hơn cho con cái, hãy trở thành người bạn của con, để làm sao chia sẻ với con những vấn đề khó khăn sẽ gặp phải trên môi trường mạng. Thực tế, có những bậc cha mẹ cũng gặp những khó khăn nhất định so với trẻ em, thường không rành công nghệ số, kỹ năng mạng bằng chính con em của mình. Thế nhưng với kinh nghiệm sống của mình cũng hoàn toàn có thể giúp con em mình giải quyết những vấn đề có thể gặp phải trên môi trường mạng.

Tiếp đó, bản thân trẻ em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng. Ngay từ nhỏ, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng và tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, "mưa dầm thấm lâu" để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em. Đó chính là cách để trẻ tự tạo ra “vaccine” kháng lại những nguy hiểm trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm họa rình rập trên môi trường mạng đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách, lập pháp hay thiết chế có thể bảo vệ trẻ em an toàn hơn. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm các vụ việc; bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; có các giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Cùng với đó, cộng đồng xã hội phát huy trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng internet, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện những nội dung không lành mạnh, dấu hiệu của tội phạm...

Môi trường mạng đã thành cuộc sống thực tế, không còn là thế giới ảo và tất cả mọi người đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Chỉ khi nào toàn xã hội vào cuộc tích cực “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới thực sự vững chắc, an toàn!./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN