Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
(ĐCSVN) - Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mang tính thiết thực, phù hợp nhu cầu của nền kinh tế thị trường và doanh nghiệp, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW (Nghị quyết 27). Nghị quyết 27 tập trung vào các nhiệm vụ sau: Xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp; Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số…
Tại tọa đàm “Đưa Nghị quyết số 27 vào cuộc sống - xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp" do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp) tổ chức mới đây, Luật sư Đường Ngọc Hân, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á nhận định, Nghị quyết 27 được ban hành, cùng với sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ trong việc tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ vậy kinh tế đã đạt được một số kết quả tích cực, duy trì mức tăng trưởng phù hợp; dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước…
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Tuy vậy, luật sư Đường Ngọc Hân chỉ ra, các kết quả cải cách thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp... Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách như sau: tình trạng mâu thuẫn, còn chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành “điểm nghẽn” của môi trường đầu tư. Tiêu biểu, trong thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh rất nhiều về tình trạng chồng chéo giữa các luật về đầu tư, trong đó nhiều quy định liên quan đến đất đai, đấu thầu, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại cơ chế quản lý hạn chế quyền của doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, Nhà nước luôn tích cực, tiếp tục hiện thực hóa các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết 27. Tuy nhiên, đi kèm với những hoạt động này, câu hỏi về tính thực chất luôn luôn được đặt ra.
Do đó, theo Luật sư Đường Ngọc Hân, để Nghị quyết 27 có thể đi vào đời sống, vấn đề cải cách môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh đặc biệt phải được chú trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động.
Bà Quỳnh Phạm, Giám đốc Queeny Group, một doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp cũng bày tỏ trăn trở, băn khoăn khi một số quy định thay đổi nhanh khiến doanh nghiệp không kịp đáp ứng, dẫn đến có doanh nghiệp phải thêm nhiều chi phí, thậm chí phải đình chỉ hoạt động.
Bên cạnh đó, có hiện tượng doanh nghiệp "nhờn luật", không tuân thủ nghiêm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp khác.
"Chúng tôi mong Nghị quyết 27 sớm đi vào cuộc sống, sâu sát với doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn hậu COVID hiện nay", bà Quỳnh Phạm nói.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty Hồng Lam chia sẻ, doanh nghiệp của ông có cơ sở sản xuất ở một số tỉnh, thành và chuỗi cửa hàng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, để xây dựng một nhà máy, thực tế ông gặp khó khăn nhất định khi phải tiến hành các thủ tục liên quan qua "nhiều cửa" mặc dù các tỉnh, thành đã ứng dụng "một cửa".
Bên cạnh đó, vị doanh nhân này phản ánh có nhiều quy định còn chồng chéo, điều chỉnh trong thời gian ngắn, doanh nghiệp không được phổ biến kịp thời nên việc tuân thủ, đáp ứng yêu cầu còn khó khăn. Đồng thời, đề nghị, khi ban hành những Luật mới cần khắc phục được sự chồng chéo, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu thực tiễn, phổ biến cho doanh nghiệp nắm rõ.
Theo PGS,TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ "muốn đưa luật vào cuộc sống phải đưa cuộc sống vào luật, nghe doanh nghiệp để biết họ muốn gì".
Theo đó, cần thực hiện rà soát pháp luật ở trên tất cả lĩnh vực - đây là việc thiết yếu, thực tế nhất. Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi ý kiến của doanh nghiệp và người dân, để từ đó có những giải quyết kịp thời.
"Với những văn bản pháp luật liên quan doanh nghiệp, VCCI cần có đề xuất với Chính phủ trong việc thu thập thông tin từ doanh nghiệp. Từ đó rà soát, sàng lọc, đưa ý kiến đến Chính phủ", ông Dũng đề xuất.
Cũng theo PGS,TS Đinh Dũng Sỹ, cần rà soát mô hình tổ chức doanh nghiệp. Rà roát các quyền và nghĩa vụ trong doanh nghiệp, mô hình quản trị mới của các doanh nghiệp để có nghiên cứu, sửa đổi luật doanh nghiệp trong tương lại
Ông Dũng cũng đề nghị rà soát luật để bảo đảm các quyền của doanh nghiệp như Quyền tự do kinh doanh, danh mục ngành nghề cầm kinh doanh, doanh nghiệp cấm đầu tư…. đặc biệt lưu ý quan tâm đến vấn đề chấn chỉnh phong cách đạo đức công vụ của cán bộ thực thi pháp luật. "Luật là cần thiết, nhưng vấn đề thực thi cũng rất quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh,
Bà Minh Thanh, Phó Chủ tịch Chi hội Nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nêu quan điểm: Khi hoạch định chính sách, cần nghe doanh nghiệp cần gì, chứ không phải là muốn gì từ doanh nghiệp”.
“Câu chuyện hệ thống pháp luật luôn thay đổi, khiến cho doanh nghiệp rất khó. Ví dụ đất thuê 50 năm, nhưng thủ tục quá dài, đến khi xin được có khi luật lại thay đổi, lại đi lại từ đầu”, bà Minh Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lại cho rằng trong xây dựng pháp luật cũng cần thiết phải “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”.
“Các quy định nằm trong phòng lạnh, không gắn với thực tế thì làm khổ doanh nghiệp rất nhiều” - ông Huỳnh cho rằng khi xây dựng pháp luật liên quan đến kinh doanh, nếu không kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ luật sư… thì “chúng ta sẽ bị luẩn quẩn trong vòng mâu thuẫn chồng chéo, không khả thi, không hợp lý, không hiệu quả”.
Có thể thấy, Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mang tính thiết thực, phù hợp nhu cầu của nền kinh tế thị trường và doanh nghiệp, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Song, để đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng trong giai đoạn mới./.