Tạo động lực phát triển thị trường sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐCSVN) - Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra nền tảng căn bản cho sản xuất sản phẩm, hàng hóa khu vực đồng bào DTTS & MN.
Đưa sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến với người tiêu dùng
Chia sẻ tại Toạ đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn vừa qua có những bước tiến quan trọng trong việc thương mại hóa và đưa sản phẩm của vùng đồng bào dân DTTS & MN vào kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo đó, về mặt chính sách, bà Lê Việt Nga cho biết, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra nền tảng căn bản cho sản xuất sản phẩm, hàng hóa khu vực đồng bào DTTS & MN. Đây là bước tiến rất mạnh mẽ, là giải pháp đồng bộ khi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đều được phân công những nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng, để việc phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gian hàng na Chi Lăng tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023. (Ảnh: HNV) |
Trong đó, Bộ Công Thương đã triển khai hai nhiệm vụ quan trọng đó là hướng dẫn cho các địa phương đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy thương mại hai chiều, đưa được hàng hóa lên với đồng bào dân tộc cũng như đưa hàng hóa của đồng bào dân tộc về khu vực trung tâm và các vùng miền có thị trường sôi động. Đồng thời, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS & MN để đưa hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước.
Nhiều đề án, chương trình khác cũng dành một lượng không gian cũng như kinh phí cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai. Đây chính là những giải pháp quan trọng để hỗ trợ đưa những hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, đồng thời góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được hình thành.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, với việc triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS & MN đã góp phần khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững và hướng về xuất khẩu. Sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Lạng Sơn ngày càng được nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện tại tỉnh Lạng Sơn đã có trên 94 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao, từ 79 chủ thể, trong đó có những sản phẩm hết sức đặc thù mang tính chất văn hoá cũng như đặc thù của địa phương, như là na Chi Lăng, hồng Vành Khuyên… được tiêu thụ rất tốt cả trong và ngoài tỉnh.
Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng cho biết, mô hình Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) đặt mục tiêu gắn kết các hộ đồng bào Mông, bảo tồn phát triển chè Shan tuyết cổ thụ, kết hợp sản xuất kinh doanh chè với phát triển du lịch. Mô hình không chỉ hỗ trợ tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức của hàng trăm người dân xã Suối Giàng với hơn 97% là đồng bào dân tộc người Mông sinh sống, mà còn vinh dự được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu chè quốc gia, làm sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.
Tọa đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Ảnh: Kim Dung |
Thúc đẩy phát triển thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Có thể thấy, thông qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS & MN đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với những tiềm năng rất lớn của sản phẩm vùng đồng DTTS & MN, việc kết nối, phát triển thị trường thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào. Các nhà sản xuất khu vực miền núi, đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra"nông sản, đặc sản", việc vận chuyển và đưa sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối lớn…
Trong xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đang được cả thế giới hết sức quan tâm, sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS & MN đang rất sẵn có những lợi thế này. Chính vì vậy, thời gian tới rất cần sự hiệp lực của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm hết sức đặc trưng và đặc biệt này.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tăng cường đẩy mạnh các chương trình, đề án đã có những tác động tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho đồng bào DTTS & MN, tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại tại khu vực này. Chú trọng tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm vùng đồng bào DTTS & MN tới cộng đồng người tiêu dùng tại thị trường trong nước và cũng như tại thị trường nước ngoài thông qua kênh hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Đồng thời tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các Luật Đầu tư, đầu tư công, đất đai, quản lý tài sản công, cụ thể là cải tạo, xây dựng các trợ truyền thống hoặc hỗ trợ cho các tiểu thương xây dựng những điểm bán hàng phục vụ cho đồng bào dân tộc. Rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai những nhóm nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao để cập nhật tình hình mới vào việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá cho bà con DTTS, đặc biệt là hỗ trợ gắn kết văn hoá du lịch với thúc đẩy kết nối giao thương tại khu vực này.
Các địa phương cũng như doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút bà con chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hoá tập trung, làm cơ sở cho phát triển thị trường sản phẩm, hàng hoá vùng đồng bào DTTS & MN; nâng cao năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm để đưa những hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế./.