Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giám sát, phản biện xã hội
(ĐCSVN) - Công tác giám sát, phản biện xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác này góp phần xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở diễn ra ngày 13/4/2022. |
Thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội kèm theo Quyết định số 217/QĐ/TW ngày 12/12/2013 đến nay đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân như: Việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; giám sát kết quả việc thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ; giám sát việc bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương…
Tại địa phương, công tác giám sát được tổ chức với những điểm mới, thiết thực, nhất là ở cơ sở. Ủy ban MTTQ các cấp thời gian qua đã triển khai công tác giám sát với việc bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát đã được cấp ủy, chính quyền và cơ quan nhà nước chỉ đạo tập trung giải quyết, được người dân ghi nhận.
Về phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị để phản biện một số dự án luật quan trọng như dự thảo: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026; Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…… Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét ban hành chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
Thực tế đã chỉ ra rằng, địa phương nào cấp ủy quan tâm đến công tác giám sát, phản biện xã hội thì nơi đó tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp giảm, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, nhất là nhận thức của cấp ủy, chính quyền về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam một số nơi còn chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát, phản biện xã hội; cơ sở vật chất và các nguồn lực phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa tương xứng, nhất là về kinh phí và nguồn nhân lực; việc tiếp thu, theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện của cấp ủy đảng và chính quyền có nơi, có lúc chưa được quan tâm, chú trọng…
Chưa hết, chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Nhiều vấn đề nóng mà Nhân dân quan tâm, bức xúc chưa được giám sát, phản biện kịp thời như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, vụ liên quan đến kit test COVID-19... Bên cạnh đó, trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm…
Từ thực tế đó, trong chương giám sát, phản biện xã hội năm 2022, MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện với nhiều hình thức đổi mới, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Trong đó, công tác giám sát, phản biện xã hội phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. MTTQ Việt Nam tăng cường huy động lực lượng “giàu có” của MTTQ Việt Nam là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, từ đó trao đổi, tăng cường kiến thức về lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời tăng cường công tác hiệp thương, phối hợp và hành động với các tổ chức thành viên, tạo nên sức mạnh của hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương.…
Có thể thấy, yêu cầu về vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng cao nhưng kết quả vẫn chưa “thỏa lòng mong đợi”. Thực tế đó đòi hỏi cần có những giải pháp tổng thể, có tính đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.
Nhìn nhận rõ vấn đề này, mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”. Theo đó, Thường trực Ban Bí thư giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án này. Ngày 9/3/2022 Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng Đề án.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo đề án nêu rõ: Việc xây dựng Đề án sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện đầy đủ, quyền, trách nhiệm của mình và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó có một nội dung quan trọng là hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, tiến tới nghiên cứu xây dựng luật về giám sát, phản biện xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ để MTTQ Việt Nam và Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát, phản biện xã hội.
Đề án cũng nêu rõ, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Một số chuyên gia cho rằng, cùng với việc ban hành Chỉ thị nêu trên, Đảng, Nhà nước nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; có chế tài nghiêm minh với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị đúng đắn của MTTQ; có chính sách khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội; có cơ chế để người dân có thể tham gia hoặc trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội…
Giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục đích xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chứ không phải chỉ tìm ra khuyết điểm, hạn chế và không có tính xây dựng. Do đó, nếu những giải pháp nêu trên sớm đi vào cuộc sống thì hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ ngày càng hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.../.