Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề cấp bách

Thứ Năm, 17/10/2024 16:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi năng lượng, hướng đến giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

 Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI

Chia sẻ tại Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu với chủ đề nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17/10, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng thì việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề thực sự cấp bách.

Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực hiện chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi năng lượng, hướng đến tương lai phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển.

Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu, trong đó khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng phải gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.

 Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu với chủ đề nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp 

Theo ông Nguyễn Sỹ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, chuyển dịch năng lượng là cơ hội tốt để Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, dựa trên những bài học trong thực tiễn, ông Nguyễn Sỹ Đăng cho rằng, trong quá trình chuyển dịch năng lượng cũng cần lưu ý đến vấn đề tự chủ và dựa vào những thế mạnh và ưu thế đang có. Đặc biệt, không thể loại bỏ thuỷ điện ngay được, bởi đây là công nghệ Việt Nam đã làm chủ được, nên không nên từ bỏ ngay để chạy theo xu hướng khác.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho rằng, là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm 12%; với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc và sử dụng khoảng 3 triệu lao động, ngành dệt may không chỉ quan trọng về kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường và phát thải thấp như một cam kết ràng buộc. Các sản phẩm và nhãn hàng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và trách nhiệm đối với người lao động.

"Đặc biệt, vấn đề xanh hoá và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh các yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng” - ông Hà Mạnh khẳng định và cho rằng, phát triển bền vững, "xanh hoá" ngành dệt may đang là hướng đi mà các doanh nghiệp trong ngành đang hướng tới.

Thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra những lợi thế trong việc chuyển đổi năng lượng, điều này không chỉ bổ sung thêm nguồn năng lượng của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển, mà còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Cùng với đó, khắc phục những điểm nghẽn cho nhà đầu tư tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng./.

Tin, ảnh: Kim Dung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN