Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách trong bối cảnh mới
(ĐCSVN) - Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong quá trình thực hiện.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo. |
Ngày 02/7/2024 Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.
Hội thảo có sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đào Minh Tú, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu gồm đại diện một số ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các trường đại học và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu trên. Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó chỉ ra tính sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc, tính XHCN của tín dụng chính sách xã hội.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. |
Các đại biểu cũng phân tích vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện…; phân tích, thảo luận, làm rõ thêm về các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW như khó khăn về nguồn vốn, về cơ chế, chính sách đối với đối tượng cho vay, mức cho vay, lĩnh vực cho vay hay là sự phối hợp giữa các bên liên quan…
Các đại biểu cũng đã phân tích, thảo luận, làm rõ thêm bối cảnh mới trong nước và quốc tế, nhất là bối cảnh trong nước và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tính hiệu quả, bền vững của tín dụng sách xã hội, nhất là các quan điểm và cơ chế, chính sách mới nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới; thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được đưa ra trong Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 62-KL/TW.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý cùng thảo luận xung quanh các vấn đề về: huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn; đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; vai trò, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội; định hướng và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu kết luật Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Các ý kiến đều thống nhất khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội, bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng nấc thang phát triển; góp phần quan trọng đối với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Tín dụng chính sách xã hội ngày càng và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế; giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước; góp phần thực hiện thành công chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Hình ảnh tại Hội thảo. |
PGS.TS Lê Văn Lợi cho rằng: Cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chị thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06- KL/TW; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa bàn, mức cho vay, lãi suất vay… Cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, đồng thời thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội...Cần nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội; chú trọng công tác sơ, tổng kết, nhân rộng các mô hình tốt, điển hình tiên tiến trong sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội./.