Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường hợp tác trong đào tạo nhân lực cho điện gió

Thứ Năm, 14/11/2024 16:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, chung tay cùng các bên liên quan hành động hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, sáng 14/11, Trường Đại học Điện lực và Quỹ GE Vernova Foundation cùng Tổ chức ASSIST Asia đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Dự án đào tạo về điện gió”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

 Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Quỹ GE Vernova, Tổ chức ASSIST Asia…

Góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng thuộc lĩnh vực điện gió cho người học

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, nhấn mạnh: Việt Nam hiện nay đang đối mặt với thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng, do đó cần có những giải pháp kịp thời để bảo đảm an ninh năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới. Chúng ta biết rằng, Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị. Trong đó, có sự đóng góp của các nhà khoa học, nghiên cứu, khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã xác định các rào cản chính đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam là thể chế, chính sách, kinh tế, tài chính, kỹ thuật, cơ sở vật chất hoặc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS.TS Đinh Văn Châu nêu rõ: "Với vai trò và chức năng của một tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức, Trường Đại học Điện lực luôn là đơn vị tiên phong trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”.

 PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại hội thảo.

Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực mong muốn dự án trên sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng thuộc lĩnh vực điện gió cho người học, đồng thời kết nối doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên.

Việt Nam hội tụ đầy đủ những đặc điểm để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, cho biết: Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định “Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" vào năm 2050. Tại COP28, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định điều này thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiểu phát thải carbon.

Bên cạnh đó, Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) xác định mục tiêu tổng quát trong dài hạn là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện chuyển đổi năng lượng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo.  

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang khẳng định: "Việt Nam là một trong những quốc gia hội tụ đầy đủ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió (trên bờ và ngoài khơi), năng lượng từ hydro xanh. Từ năm 2018 đến nay, ngành năng lượng tái tạo chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các dự án điện gió và điện mặt trời".

Mặc dù nhu cầu nhân lực về lĩnh vực năng lượng tái tạo rất lớn, tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, việc chuẩn bị nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo được thực hiện khá cục bộ và thiếu tính lâu dài. Với nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai đáp ứng được sự phát triển công nghiệp của đất nước nói chung và nguồn nhân lực về ngành năng lượng tái tạo nói riêng, việc xây dựng một chiến lược đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Doanh nghiệp và sự phát triển đất nước là rất cần thiết. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương giá cao sự quan tâm và quyết định triển khai dự án RENEW Skills của Tập đoàn GE Vernova và Quỹ GE Vernova Foundation tại Việt Nam.

 "Chúng tôi hy vọng và tin tưởng dự án sẽ góp phần tích cực trong việc tạo ra các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới"- bà Giang nhấn mạnh.

Với vai trò quản lý nhà nước và là cơ quan chủ quản của Trường Đại học Điện lực, Bộ Công Thương cam kết sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Điện lực thực hiện tốt vai trò đối tác kỹ thuật của dự án.

Hàng nghìn sinh viên, kỹ thuật viên được đào tạo mỗi năm

Trong khuôn khổ hội thảo, GE Vernova Foundation công bố Dự án phát triển kỹ năng mang tên Renew Skills thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Dự án gồm khoản viện trợ 750.000 USD nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho ngành năng lượng và hợp tác phát triển chương trình giảng dạy, đào tạo mới.

Dự án Renew Skills sẽ hỗ trợ qua các khóa học mới dành cho kỹ thuật viên và sinh viên. Các khóa học tập trung vào vận hành, bảo trì, hòa lưới, an toàn lao động liên quan đến điện gió. Dự án sẽ thành lập và cung cấp trang thiết bị đào tạo về năng lượng tái tạo cho 5 phòng thực hành, bao gồm hai trung tâm đào tạo xuất sắc tại các trường đại học và cao đẳng để phục vụ các khóa học. Dự kiến, trong 3 năm tới, dự án sẽ tiếp cận hơn 4.000 sinh viên và kỹ thuật viên.

Theo ông Ramesh Singaram, Thành viên Hội đồng, GE Vernova Foundation, đào tạo kỹ năng là yếu tố then chốt, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và phát triển các công nghệ của tương lai. Nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao cũng là nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của một quốc gia. “Qua dự án này, chúng tôi rất vui khi góp phần tạo ra cơ hội mới cho các cộng đồng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mở ra con đường dẫn đến việc làm với mức thu nhập tốt, giúp người lao động tự chủ về tài chính và hỗ trợ cuộc sống của chính họ, gia đình và cộng đồng”, ông nói.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. 

Dự án đào tạo về Điện gió (RENEW Skills) sẽ tập trung hỗ trợ cả lực lượng lao động hiện tại và các sinh viên đại học, cao đẳng kỹ thuật nghề trong tương lai. Dự án bao gồm các hoạt động giảng dạy mới và đào tạo thực hành kỹ năng vận hành và bảo trì công nghệ năng lượng gió, tích hợp lưới điện và an toàn lao động. Chương trình còn thành lập các phòng thực hành và Trung tâm Đào tạo Xuất sắc (dự kiến tại Trường Đại học Điện lực) với các trang thiết bị đào tạo công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến phục vụ cho các khóa học. Dự kiến trong 3 năm tới, dự án sẽ tiếp cận hơn 4.000 sinh viên và kỹ thuật viên.

Theo Ban Tổ chức, trong nỗ lực góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo, Quỹ GE Vernova Foundation cùng Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST) và Trường Đại học Điện lực công bố dự án với khoản viện trợ 750.000 USD nhằm hỗ trợ phát triển lực lượng lao động trong ngành năng lượng Việt Nam. Đại diện Quản lý Tổ chức ASSIST sẽ nhận khoản viện trợ trên để triển khai Dự án RENEW Skills bao gồm xây dựng chương trình trang bị và nâng cao kỹ năng trong ba năm, dành riêng cho sinh viên đại học, cao đẳng và kỹ thuật viên, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo tại Việt Nam./.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN