Đưa du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
(ĐCSVN) – Phú Yên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đặc biệt, kể từ năm 2021, sau khi Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, du lịch tỉnh Phú Yên đã từng bước khởi sắc, tạo cơ sở nền tảng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 như định hướng đã đặt ra.
Tháp Nghinh Phong bên bờ biển Tuy Hòa, Phú Yên. |
Chú trọng quy hoạch phát triển du lịch
Những năm qua, tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch, trong đó đáng chú ý là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, tích cực tham gia của xã hội, đặc biệt là sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cho lĩnh vực kinh tế này.
Theo đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, nét nổi bật trong công tác lãnh chỉ đạo phát triển du lịch ở địa phương những năm qua là việc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 09-Ctr/TU, ngày 18/8/2021 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh đã được kiện toàn, đồng thời phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách, đôn đốc, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch gắn với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tiềm năng, thế mạnh về du lịch ở từng địa bàn, từng lĩnh vực có liên quan…
Cũng trên tinh thần chỉ đạo và sự đồng thuận, vào cuộc khá quyết liệt của các cấp, các ngành và xã hội, Phú Yên đã xác định thương hiệu du lịch của mình là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đặc biệt, vai trò của từng người dân là một hướng dẫn viên du lịch đã được phát huy, tạo sự đồng thuận, lan tỏa và mở rộng sự ảnh hưởng trong truyền thông, nhất là trên mạng xã hội, nhờ đó đã góp phần đáng kể để đưa thương hiệu của du lịch Phú Yên vươn xa, đến được với bạn bè trong nước, quốc tế. Đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ và khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu các điểm đến tại Phú Yên luôn được xã hội đề cao, tạo sức ảnh hưởng rất lớn.
Cùng với sự chuyển biến tích cực đó, UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tục tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều đề án, đồ án và quy hoạch phát triển du lịch đã ra đời. Trong đó, Phú Yên đã triển khai hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Quy hoạch này đã tích hợp nội dung Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, làm cơ sở để triển khai đảm bảo phát triển du lịch địa phương đúng định hướng và có trọng tâm, trọng điểm trong những năm tới.
Loại hình du lịch biển tại Phú Yên đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. |
Đặc biệt, nhiều đồ án liên quan đến du lịch cũng đã được Phú Yên ban hành, trong đó đáng kể như: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) làm cơ sở thu hút các dự án du lịch và dịch vụ vào khu vưc Đèo Cả - Vũng Rô. Trong khi đó, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 để tạo quỹ đất kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; đề cương nhiệm vụ quy hoạch các điểm di tích như kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa... cũng đã được tỉnh Phú Yên thẩm định.
Bên cạnh đó, đến nay, Đề án công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO cũng đã được tỉnh ban hành. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch Cảng hành không Tuy Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nâng công suất Cảng Hàng không Tuy Hòa lên 5 triệu hành khách/năm; phối hợp với các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mở thêm đôi tàu và tăng thời gian dừng tàu để hỗ trợ phát triển loại hình du lịch bằng tàu hoả; tiến hành nâng cấp Quốc lộ 25, Quốc lộ 29 thu hút du lịch từ Tây Nguyên và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương.
Ngoài ra, các đề án thí điểm thể thao giải trí trên biển và quy chế quản lý sử dụng bãi biển, mặt nước trên địa bàn một số địa phương của tỉnh cũng đã được ban hành, làm cơ sở để du lịch Phú Yên mở rộng, phát triển du lịch biển.
Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch
Với tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh Phú Yên đang tập trung khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; phát triển các tour tuyến tham quan biển, đảo; du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng và gần đây là du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa ẩm thực…
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, các sản phẩm du lịch kể trên đang từng bước khẳng định thế mạnh của mình; hiện đang tiếp tục được địa phương quan tâm phát huy, khai thác và mở rộng. Trong đó, vừa qua, Phú Yên đã đưa vào khai thác 02 tuyến phố đi bộ Phan Lưu Thanh và Lê Trung Kiên ở thành phố Tuy Hòa vào các đêm thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực, mua sắm của khách về đêm khi đến với địa phương. Ngoài ra, Đề án thí điểm hoạt động thể thao giải trí trên biển thành phố Tuy Hoà cũng đã được triển khai, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch trên địa bàn Phú Yên hiện nay.
Cùng với việc triển khai các đề án trên, gắn phát triển du lịch với thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ, du lịch địa phương, hiện Phú Yên đang tập trung thực hiện Đề án Làng du lịch cộng đồng tại thôn Long Thủy, Đề án phát triển Du lịch cộng đồng khu vực ven biển phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khuyến khích, hỗ trợ, mở rộng đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm Đề án xe điện chở khách du lịch, đưa vào khai thác dịch vụ taxi điện mini giá rẻ, góp phần phát triển mô hình “Giao thông xanh” tại Phú Yên.
Vũng Rô - một trong các địa danh du lịch nổi tiếng tại Phú Yên. |
Không dừng lại ở đó, Phú Yên cũng đã triển khai thực hiện các đề án như: Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh; Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2023; tiếp tục duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng của các nhóm nghệ nhân, các câu lạc bộ đàn, hát dân ca, bài chòi, đội cồng chiêng… để phục vụ du lịch. Tỉnh cũng quan tâm dành nhiều đầu tư để phát triển các làng nghề truyền thống gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, Phú Yên cũng đã xây dựng, hình thành nhiều sản phẩm trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó góp phần tiếp tục phát triển các sản phẩm truyền thống ở các địa phương gắn với phát triển du lịch khu vực nông thôn. Thông qua việc triển khai chương trình này, đến nay, tại Phú Yên đã có 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Với những định hướng và giải pháp triển khai tích cực, du lịch Phú Yên đang tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế có nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Theo số liệu ước tính, tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh Phú Yên trong năm 2024 khoảng 4 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế là 35.000 lượt, khách nội địa là 3.965.000 lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh chiếm 5,7%.
Có thể thấy du lịch tỉnh Phú Yên hiện có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là cơ sở nền tảng để tin rằng, du lịch của địa phương này trong những năm tới sẽ tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 như định hướng của Ban Thường Tỉnh ủy Phú Yên tại Chương trình hành động số 09-CTr/TU ban hành ngày 18/8/2021./.