Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho người phẫu thuật thẩm mỹ
(ĐCSVN) - Để bảo đảm an toàn người phẫu thuật thẩm mỹ, trong thời gian tới, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ, nâng cao nhận thức của khách hàng, quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ đồng thời chuẩn hóa hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: AN BÌNH |
Ngày 22/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị "Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ". PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các bệnh viện, phòng khám được cấp phép đúng quy định, các cơ sở làm đẹp không liên quan đến y tế đang lấn sân và ngày càng biến tướng phức tạp, gây ra nhiều biến chứng, tai biến y khoa, thậm chí gây mất an ninh trật tự xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những thông tin thực tế ở nhiều góc nhìn khác nhau từ nhà quản lý lẫn các chuyên gia, mong muốn nhìn lại khái quát về hoạt động thẩm mỹ và những vấn đề cần tăng cường, kiến nghị nhằm hạn chế sự cố y khoa, tìm giải pháp tăng cường an toàn trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 414 phòng khám chuyên khoa da liễu. Ngoài ra còn có 3.891 cơ sở spa, chăm sóc da do quận, huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, nhiều cơ sở đã lấn sân sang lĩnh vực y tế. Ranh giới giữa y tế có chuyên môn và không chuyên môn là thách thức lớn trong công tác quản lý. Những vi phạm phổ biến như: thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ chui núp bóng trong cơ sở không có giấy phép hoạt động, bác sĩ tay ngang hành nghề chui rất nhức nhối. Đáng nói là những cơ sở len lỏi trong khu dân cư, nhà dân để khám chữa bệnh không phép.
Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Thị Phan Thuý, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm, tại Bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000-7.000 lượt khám. Trong đó, có khoảng 200-500 trường hợp gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. 69% ca tai biến này liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% các ca liên quan thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất...
Các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa rất đa dạng về mức độ, từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng thông thường như nổi các nốt trên da, nám má… đến nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết dưới da, mù mắt.
Theo bác sĩ Thuý, trong các ca tai biến, có 77% bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo chất lượng; 13% thực hiện tại nhà. Nếu làm tại các cơ sở "chui", thiết bị không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêm chích không đảm bảo nguồn gốc… sẽ tăng nguy cơ biến chứng cho khách hàng. Bên cạnh đó, nếu người thực hiện không nắm chuyên môn, cấu trúc mạch máu có thể điều trị sai cách, dẫn đến hậu quả nặng nề.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đang khám một ca tai biến thẩm mỹ. Ảnh: BV |
Bàn về giải pháp trong thời gian tới, theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Thứ nhất, siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ: Áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Thứ 2, nâng cao nhận thức của khách hàng: Người có nhu cầu làm các dịch vụ thẩm mỹ được khuyến khích tìm hiểu kỹ về cơ sở và bác sĩ thực hiện trước khi đưa ra quyết định. Thứ 3, quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ, các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.
"Hiện nay, chỉ cần vào trang thương mại điện tử đã có thể dễ dàng mua botox, họ sẽ ship về tận nhà vì đây là sản phẩm được xếp vào danh mục trang thiết bị y tế không được quản lý chặt. Trong khi đó, nhiều trường hợp tiêm botox không rõ nguồn gốc đã bị biến chứng", bác sĩ Thượng nói.
Bác sĩ Thượng cũng cho biết, Sở Y tế Thành phố sẽ tiếp tục công khai những cơ sở vi phạm cho toàn xã hội biết. Đồng thời đẩy mạnh quản lý chặt thuốc, vật tư, trang thiết bị liên quan đến thẩm mỹ. Các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục chuẩn hóa quy trình phẫu thuật thẩm mỹ, phải có phác đồ chuẩn cho từng phần phẫu thuật, kêu gọi chuyên gia đầu ngành của Thành phố chung sức hoàn thành tài liệu; các phòng khám và bệnh viện phải làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ.