Tăng cường đoàn kết và hợp tác đa phương để giải quyết thách thức toàn cầu về người tị nạn
(ĐCSVN) – Để ngăn chặn làn sóng tị nạn, các chính phủ liên quan có trách nhiệm chính trong bảo đảm hòa bình, an ninh và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột một cách toàn diện và bao trùm. Các nước cũng cần cung cấp cho người dân những nhu cầu cơ bản và tạo dựng môi trường hòa bình cho phát triển.
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) |
Đó là nhận định của Đại sứ, Đại biện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Phạm Hải Anh tại cuộc họp và thảo luận Báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi về tình hình người tị nạn trên khắp toàn cầu do Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức ngày 7/12.
Phát biểu tại cuộc họp, Cao ủy LHQ về người tị nạn và các nước đều khẳng định, số người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú trong nước (IDPs) và người tị nạn đang ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của các cuộc xung đột vẫn chưa được kiểm soát và giải quyết, cũng như tác động của COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, các nước cho rằng đây là trách nhiệm chung của tất cả các nước và Hội đồng Bảo an LHQ, theo đó cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề tị nạn và IPDs. Cần tăng cường hỗ trợ nhân đạo để đảm bảo người tị nạn và người IDPs được an toàn, đáp ứng các nhu cầu căn bản.
Các nước cũng cần tăng cường quyết tâm chính trị, phối hợp cùng tìm giải pháp cho vấn đề và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ, Đại biện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Phạm Hải Anh cho rằng, để ngăn chặn làn sóng tị nạn, các chính phủ liên quan có trách nhiệm chính trong bảo đảm hòa bình, an ninh và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột một cách toàn diện và bao trùm. Các nước cũng cần cung cấp cho người dân những nhu cầu cơ bản và tạo dựng môi trường hòa bình cho phát triển.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh, tính mạng của con người là tài sản quan trọng nhất, vì vậy, kêu gọi tất cả các bên liên quan ưu tiên cứu mạng sống để không ai phải bỏ mạng khi vượt biên hoặc vượt biển.
Sự tham gia và đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan là phương thức hiệu quả nhất để giúp người tị nạn trở về và tái hòa nhập một cách an toàn.
Các giải pháp, hoạt động, chương trình hợp tác và hỗ trợ quốc tế phải đặt người dân làm trung tâm, tránh chính trị hóa và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ.
Đại sứ Phạm Hải Anh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) |
Đại sứ Phạm Hải Anh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tính minh bạch trong việc cấp quy chế tị nạn cho những người xin tị nạn, trong quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách, cần phân biệt giữa người tị nạn và người di cư không thường xuyên hay những người di cư vì mục đích kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang nổi lên.
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam tái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác khu vực và quốc tế trong vấn đề này, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan nhằm giải quyết thách thức toàn cầu một cách tích cực và có trách nhiệm./.