Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa

Thứ Năm, 15/12/2022 13:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng phổ biến ở các thành phố lớn, các trung tâm tỉnh, huyện khắp cả nước. Tuy nhiên, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ này ở vùng sâu, vùng xa còn là bài toán nan giải.

Người dân vùng sâu, vùng xa chưa "mặn mà" với thanh toán số

Chuyên bán hàng nông sản sạch online, chị Lò Thị Chinh, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Sơn La rất quan tâm và coi trọng đến dịch vụ Mobile banking. Chị cho biết, bản thân mình dùng dịch vụ từ rất lâu, phục vụ cho việc mua, bán hàng. Tuy nhiên, chủ yếu là để chuyển tiền trả cho các chủ hàng, còn người mua hàng sử dụng dịch vụ này vẫn chưa nhiều, dẫn đến đôi khi nhầm lẫn, thắc mắc khi mua bán bằng tiền mặt. Gần đây, có dịch vụ mobile money sử dụng điện thoại thường, không cần sóng internert, người dân ở đây bắt đầu sử dụng nhiều hơn.

Tại trung tâm huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, anh Thào A Tồng đang rút tiền ở cây ATM. Anh cho biết, nhà cách trung tâm huyện 8km, cũng không xa nên anh ra đây rút tiền. Khi được hỏi về dịch vụ mobile banking, anh cho biết không sử dụng do ở khu vực không nhiều người dùng, lại cũng không có internet. Hơn nữa, thấy mọi người sử dụng khá rắc rối, sợ mất tiền... nên anh e ngại.

Bán online, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế chung. Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển

Đây là một thực tế ở rất nhiều nơi, đặc biệt là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển; việc sử dụng internet chưa phổ biến. Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc, có khoảng trên 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; hơn 87% khách hàng sử dụng đăng ký thanh toán tiền điện và 80% khách hàng đăng ký thanh toán tiền nước qua tài khoản ngân hàng; gần 80% sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề thanh toán tiền học phí qua tài khoản ngân hàng… Tuy nhiên, những giao dịch không dùng tiền mặt phần lớn mới chỉ tập trung ở khu vực thành thị; địa bàn nông thôn, vùng dân tộc, miền núi, người dân sử dụng tiền mặt là phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đời sống người dân còn khó khăn, chưa có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, chưa có mạng lưới Internet. Người dân còn có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu và vẫn khá phổ biến. Họ cảm thấy thoải mái, thuận tiện hơn khi sử dụng tiền mặt.

Nói về việc phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nhất định.

Từ 2015, NHNN đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, đặc biệt là dịch vụ mobile money. Đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại.

Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta có gần 39.000/72.000 điểm giao dịch cung cấp dịch vụ nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng. Đối với dịch vụ mobile money, cuối tháng 9/2022, khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money. Tổng giá trị mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với số tiền khoảng 950 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, thứ nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế nên có tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị, khu vực nông thôn sự phát triển còn chậm. Ngoài ra một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt cho người dân vùng sâu, vùng xa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để thực hiện mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: “Cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn, những năm qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khu vực này được nhận định là có tiềm năng phát triển, tuy nhiên, vẫn có khá nhiều khó khăn, thách thức.

Khách hàng có thể sử dụng Viettel Money kể cả khi không có kết nối internet. Ảnh: Viettel cung cấp 

Theo ông Phạm Anh Tuấn, để thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thực hiện một số nội dung như: tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, chúng ta đã có gần 72.000 đại lý thanh toán, tức là cũng tương đối hỗ trợ cho người dân không chỉ trong việc giao dịch điện tử hoàn toàn qua hệ thống công nghệ hiện đại mà vẫn có các điểm tiếp xúc trực tiếp để có thể thực hiện rút tiền hoặc cung ứng các dịch vụ khác và sẽ triển khai rộng khắp hơn nữa.

Ông Đinh Quang Dân, Phó ban Khách hàng cá nhân Ngân hàng Agribank cho biết, Agribank có những đặc thù riêng, ngoài thực hiện nhiệm vụ kinh doanh đem lại lợi nhuận, Ngân hàng còn có thêm nhiệm vụ quan trọng liên quan đến an sinh xã hội. Những khách hàng ở vùng sâu vùng xa được Agribank phủ sóng nhiều nhất. Để phục vụ tốt nhất người dân khu vực vùng sâu vùng xa, Ngân hàng vẫn chủ yếu tiếp xúc khách hàng chủ yếu dưới dạng kênh quầy. Ngoài ra, Ngân hàng cũng sử dụng ngân hàng lưu động, từ những xe đẩy có thể chạy đến từng bản làng xa xôi để khách hàng giao dịch được thuận tiện.

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital cho biết, dự kiến hết năm 2022, Viettel Digital đã có 2 triệu khách hàng dùng mobile money, có hơn 60% khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với hơn 3.000 điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa hào hứng, hiểu tiện ích của mobile money thì Viettel Digital đã thực hiện mô hình “chợ 4.0” phủ khắp 63 tỉnh thành hỗ trợ nạp, rút tiền đến các huyện, xã. Mô hình này sẽ được triển khai rộng khắp hơn nữa, phục vụ thậm chí đến tận những bản làng xa xôi.

Tuy nhiên, để giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy người dân khu vực này sử dụng ứng dụng, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng, việc sử dụng dịch vụ ở khu vực phát triển về kinh tế thì tốc độ tăng cao, còn vùng sâu, vùng xa, vùng núi mức độ thấp hơn. Do đó, chúng ta cũng cần chia ra phù hợp với giai đoạn phát triển. Song song với đó, cần sự phát triển của truyền thông, cáp quang, wifi thuận tiện, phục vụ cuộc sống vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông cho biết, thời gian tới các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cân nhắc việc ưu đãi phí đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc kết nối với Mobile Money ở các ngân hàng cũng đã bắt đầu triển khai rất tích cực để khách hàng được tự do lựa chọn ứng dụng. Ở các vùng có thể không phủ sóng hết các điểm giao dịch của các ngân hàng thì có thể phát triển thông qua liên kết với VNPost.

Một điểm nữa mà các ngân hàng đang hướng đến là gia tăng tiếp cận với các khách hàng ở vùng thành thị, đặc biệt là các khu công nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa tới gia đình, người thân của họ đang ở vùng nông thôn. Nếu những đối tượng này sử dụng 100% thanh toán không dùng tiền mặt thì số lượng người dùng kéo theo ở vùng thôn, vùng sâu vùng xa cũng sẽ rất cao./.

Dương Huệ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN