Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng 29 bậc, Hà Giang vươn lên vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng PAPI

Thứ Ba, 02/04/2024 20:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

 Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND xã Quản Bạ (Quản Bạ). (Ảnh: Lê Hải).

Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố ngày 2/4, chỉ số PAPI năm 2023 của Hà Giang đạt 44,2479 điểm.

Với kết quả này, tỉnh Hà Giang có bước tiến vượt bậc so với năm 2022 khi vươn lên từ nhóm Trung bình thấp lên nhóm Trung bình cao của cả nước và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Nếu như năm 2022, chỉ số PAPI của Hà Giang đạt 41,147 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố thì năm 2023 tăng 3,1 điểm và 29 bậc, vươn lên xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp tỉnh Hà Giang nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI ở cả 8 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Được biết, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PAPI qua từng năm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; tập trung cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân để giải quyết kịp thời những vướng mắc… Việc cải thiện và nâng cao chỉ số này đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

 Chỉ số PAPI của Hà Giang năm 2023 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2022.

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Bắt đầu được triển khai từ năm 2009, chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc: Tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân; thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.

Năm 2023 là năm thứ 3 trong nhiệm kỳ 2021-2026 của chính quyền các cấp, kết quả khảo sát PAPI là nguồn dữ liệu và thông tin hữu ích, giúp các cấp chính quyền nắm bắt được cảm nhận và trải nghiệm của người dân về điều kiện kinh tế - xã hội, mối quan ngại cũng như kỳ vọng của người dân đối với bộ máy công vụ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Với số lượng phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục là 19.536 người trên phạm vi toàn quốc, kết quả khảo sát PAPI năm 2023 cho thấy mức độ hài lòng của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện ở cấp địa phương, tuy nhiên vẫn còn những quan ngại với một số chỉ số phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực tuyển dụng nhân lực; tính minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương… Kết quả khảo sát cũng cho thấy khả năng tiếp cận quản trị điện tử của người dân tăng so với năm 2022; tỷ lệ người dân sử dụng cổng thông tin điện tử cấp quốc gia và cấp tỉnh có xu hướng tăng lên, mặc dù con số tổng thể vẫn còn thấp. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia, 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc…

Ngọc Khang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN