Tại sao “giáo dục phòng chống tự tử” trở thành chương trình bắt buộc ở Hàn Quốc?
(ĐCSVN) – Là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đang từng bước nỗ lực để cải thiện tình trạng này.
Bức tượng một người đàn ông đang an ủi một người khác - được đặt trên cầu Mapo, thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử. (Ảnh: Yonhap) |
Những con số đáng báo động
Theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc tổng hợp, trong năm 2022, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 12.906 người tự tử và số vụ tự tử trên mỗi 100.000 người là 25,2. Tỷ lệ này đã tăng từ 13,7 năm 2000 lên 24,8 năm 2005 và 31,7 năm 2011 trước khi giảm xuống dưới 25 vào năm 2017. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, con số này sau đó đã tăng lên từ năm 2018 - 2021, ngoại trừ năm 2020. Theo giới tính, tỷ lệ tự tử ở nam giới cao hơn gấp đôi so với nữ giới, với tỷ lệ 35,3 trên 100.000 nam giới tự kết liễu đời mình vào năm 2022.
Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ tự tử cao ở những người cao tuổi. Cụ thể, số vụ tự tử trên 100.000 người ở những người có độ tuổi 70 là 37,8 và ở những người ở độ tuổi 80 là 60,6 vào năm 2022. Tỷ lệ ở nam giới từ 70 tuổi trở lên tự tử lên tới con số khổng lồ là 78,8, trong khi con số tương đương ở phụ nữ trong cùng nhóm tuổi là 23,1.
Theo Tổ chức Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, gần 7.000 người ở Hàn Quốc đã tự tử, đánh dấu mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, một báo cáo được Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc công bố vào tháng trước cho thấy tỷ lệ tự tử trên 100.000 người trong độ tuổi từ 9 đến 24 là 10,8. Đây thực sự là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong giới trẻ Hàn Quốc.
“Giáo dục phòng chống tự tử” trở thành chương trình bắt buộc
Truyền thông Hàn Quốc ngày 9/7 đồng loạt dẫn thông báo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, tất cả học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng với nhân viên tại các cơ quan công ở Hàn Quốc phải tham gia chương trình giáo dục phòng chống tự tử hằng năm. Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề tự tử, nguyên nhân tử vong hàng đầu ở giới trẻ Hàn Quốc hiện nay. Các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp tư nhân có từ 30 nhân viên trở lên cũng được khuyến cáo tham gia chiến dịch và tận dụng các nguồn lực của chính phủ. Yêu cầu mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/7/2024 sắp tới.
Theo quy định mới, người quản lý các tổ chức này phải xây dựng các chương trình đào tạo về phòng ngừa tự gây hại và thực hiện ít nhất một năm một lần trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh, sinh viên và nhân viên, đồng thời phải báo cáo kết quả cho Bộ Y tế và Phúc lợi hoặc các bộ phận khác có liên quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc.
Chương trình đào tạo bao gồm 2 phần chính. Phần thứ nhất nhằm mục đích giáo dục người tham gia về bản chất của hành động tự tử, bao gồm các yếu tố góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần và các chiến lược để vượt qua các tình trạng như vậy. Phần thứ hai cung cấp hướng dẫn thực tế về việc hỗ trợ những cá nhân có nguy cơ tự tử cao, bao gồm cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và các chiến lược ứng phó hiệu quả.
Chính sách này là một phần trong nỗ lực mở rộng của Chính phủ Hàn Quốc nhằm giảm tỷ lệ tự tử ở nước này từ 25,2 trường hợp trên 100.000 người xuống mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 10,6 trường hợp trên 100.000 người, trong vòng 10 năm tới.
Các chuyên gia kỳ vọng biện pháp mới của Chính phủ Hàn Quốc về giáo dục phòng chống tự tử sẽ cứu được nhiều sinh mạng.
Từ câu chuyện Hàn Quốc, suy ngẫm đến Việt Nam
Theo Trung tâm Phòng chống khủng khoảng tâm lý (PCP), ở Việt Nam, thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 – 24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao hơn cả, và tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống. Các số liệu trên như một hồi chuông báo động về nạn tự tử ở vị thành niên hiện nay và vấn đề không thể xem nhẹ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người, trong đó các bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh có tỷ lệ mắc khá cao. Trong một báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, kết quả cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến.
Một vài nghiên cứu khác cũng như thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều trường hợp tự tử ở Việt Nam (đặc biệt trong giới trẻ), nguyên nhân dẫn đến tự tử thường do hội chứng trầm cảm. Trẻ em, vị thành niên bị trầm cảm thường gặp trong các trường hợp gia đình có vấn đề như bố mẹ ly hôn, bản thân trẻ gặp khó khăn, thất bại trong tình yêu, quan hệ bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục... Ngoài ra, các căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự sát ở tuổi vị thành niên.
Những trường hợp tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm thường có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát: tự lấy dao rạch cổ tay, cắt mạch máu hay tìm hiểu trên mạng những cách tự tử để thực hiện. Nhiều trường hợp đã được cứu chữa kịp thời, nhưng cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người tự tử được phát hiện muộn.
Nhằm ngăn chặn các vụ tự tử trong giới trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên, thiết nghĩ trước khi cần có sự chung tay của các cấp, các ngành hay sự quyết liệt từ chính phủ (như ở của Hàn Quốc nêu trên), thì các bậc phụ huynh là những người sát sao nhất để giúp trẻ phòng tránh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực này.
Để làm được điều này, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với các con, không nên đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của con, xúc phạm khi con có lỗi mà nên phân tích, giảng giải cho con hiểu; không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho con các áp lực về thành tích học tập. Các con thường có xu hướng che giấu những vấn đề khiến chúng bị tổn thương, do vậy cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của con để kịp thời tháo gỡ, giúp con mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống./.