Tai nạn giao thông đường bộ khiến hơn 100.000 người ở Mỹ Latinh thiệt mạng mỗi năm
Theo dữ liệu từ đặc phái viên Liên hợp quốc về An toàn đường bộ Jean Todt, mỗi năm có khoảng 110.000 người thiệt mạng và hơn 5 triệu người khác bị thương do tai nạn giao thông đường bộ ở các nước Mỹ Latinh và Caribe.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/Vietnam+). |
Tai nạn giao thông là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi và là nguyên nhân thứ hai ở thanh niên trong khu vực. Điều này đồng nghĩa ngoài thiệt hại về người, các quốc gia trong khu vực đã mất đi một lực lượng sản xuất đáng kể.
Ông Jean Todt nhấn mạnh Mỹ Latinh là một trong những khu vực đô thị hóa nhất trên thế giới, vì vậy an toàn đường bộ phải là trọng tâm trong chiến lược phát triển các thành phố. Theo đề xuất của đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ), chính phủ các quốc gia trong khu vực cần đầu tư và phát triển một hệ thống đường bộ hiệu quả và an toàn, với các phương tiện giao thông công cộng và tư nhân tốt. Đặc phái viên LHQ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết kế các tuyến đường và đường dành cho xe đạp và người đi bộ, đặc biệt là ở khu vực lân cận trường học, cũng như khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng an toàn và sạch sẽ cho tất cả mọi người. Hệ thống đường bộ hiệu quả và an toàn cũng góp phần giảm tắc nghẽn giao thông trong thành phố và xây dựng các mối liên kết kinh tế, xã hội và môi trường giữa các khu vực đô thị, ven đô và nông thôn.
Bên cạnh đó, ông Jean Todt cho rằng để giảm tai nạn giao thông cần thực thi luật pháp, đầu tư vào giáo dục an toàn đường bộ, cải thiện dịch vụ, cơ sở hạ tầng đường bộ và phương tiện cũng như tích hợp các công nghệ an toàn tiên tiến. Ngoài ra, cần phải huy động sự lãnh đạo chính trị để tăng cường hành động và tài trợ cũng như thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm thúc đẩy hành vi có trách nhiệm của tất cả những người tham gia giao thông. Nhận thức này phải bao gồm các khía cạnh quan trọng như thắt dây an toàn, lái xe chậm, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc xe đạp, không nhắn tin khi lái xe, không lái xe trong tình trạng say rượu hoặc mệt mỏi và tôn trọng người đi bộ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan khác của LHQ đang vận động hạn chế tốc độ phương tiện ở mức 30 km/h ở các thị trấn và thành phố, tức là nơi mọi người sinh sống, đi bộ và vui chơi. Ngân hàng Thế giới ước tính thiệt hại do tai nạn giao thông tương đương từ 2 đến 6% GDP của khu vực./.