Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tái khởi động dự án bất động sản “đắp chiếu” nhà ở

Thứ Ba, 22/10/2024 08:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sau giai đoạn khó khăn, cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, một số dự án BĐS “bỏ hoang" đã được tái khởi động, triển khai trở lại. Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải “cơn khát" về nhà ở cho người dân.

Một số dự án BĐS “đắp chiếu" lâu năm có dấu hiệu tái khởi động, giới thiệu ra thị trường. Kết quả này là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đồng thời nhờ nguồn vốn được bổ sung từ hoạt động mua bán, sáp nhập cũng như sự tự tin của các chủ đầu tư trước các kết quả phục hồi tích cực của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án “tái khởi động” thành công, cũng có những dự án không thành công do chỉ nâng cao giá bán mà không nâng cấp về chất lượng.

Kể từ năm 2018 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ kéo dài.

Nhiều dự án bất động sản "đắp chiếu" (Ảnh: PV) 

Gần đây, sau giai đoạn khó khăn, cùng với sự hồi phục của thị trường BĐS Việt Nam, một số dự án BĐS “bỏ hoang" đã được tái khởi động, triển khai trở lại. Đặc biệt là các dự án căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao. Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải “cơn khát" về nhà ở cho người dân.

Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của Tổ  Công tác của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2022 đến nay, một số dự án BĐS đã được tháo gỡ những nút thắt về pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai trở lại.

Các dự án có thông tin triển khai trở lại trong thời gian qua có thể kể đến như dự án Astral City (TP Thuận An, Bình Dương), dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội), KĐT Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An)...

Trước thực trạng trên, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc tái khởi động các dự án bị đình trệ ở quãng thời gian trước đã, đang và sẽ được tiếp tục thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, lẫn khối doanh nghiệp tư nhân thông qua hoạt động M&A dự án. Đặc biệt, theo quy định của Luật mới, nếu các chủ đầu tư để dự án “án binh bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ đứng trước nguy cơ “mất trắng”, bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, cũng khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút với nỗ lực “tái khởi động dự án”.

Cụ thể, về phía Chính phủ, Nhà nước đã có nhiều động thái điều chỉnh về chính sách và chỉ đạo hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án BĐS bị đình trệ, bao gồm việc giảm thuế, nới lỏng quy định vay vốn. Gần đây nhất là việc cải thiện môi trường pháp lý thông qua 3 bộ Luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, chính thức có hiệu lực sớm hơn 5 tháng với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS. Kế hoạch triển khai các dự án BĐS vốn bị bỏ hoang trước đây cũng sẽ được thúc đẩy khi "cơn khát" về nhà ở đang không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa.

Đặc biệt, nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), trên cơ sở hành lang pháp lý mới đã được cải thiện, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch hơn và thuận tiện hơn.

Tái khởi động các dự án BĐS "đắp chiếu" sẽ góp phần giải "cơn khát" nhà ở cho nhiều người dân (Ảnh: PV) 

Việc khôi phục các dự án BĐS bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp BĐS tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể “tái khởi động” thành công các dự án, không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ đi kèm với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay cả khi các vướng mắc về pháp lý đã được gỡ, thì áp lực về tài chính cũng là điều vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án “hồi sinh” nhưng không thành công.

Theo đó, việc các dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài thường phải đối mặt với sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, khiến chi phí phục hồi rất lớn. Cùng với chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời bị tạm dừng, “ăn mòn" hết lợi nhuận theo kế hoạch triển khai ban đầu. Điều này khiến nhiều chủ đầu tư “hồi sinh” dự án rồi mở bán với giá chào mới tăng tới gấp đôi so với giai đoạn mở bán trước đó để có thể thu được lợi nhuận. Mức giá tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp, khiến dự án không được thị trường chấp nhận và nhanh chóng “im hơi lặng tiếng".

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN